Đã thấy máu mình… chảy trong em
Gia đình chị Huỳnh Mộng Đẹp sống bằng nghề nông tại xã Thạnh Trị (Bình Đại). Mới đây, gác lại một ngày với công việc đồng áng, vợ chồng chị Đẹp đưa cháu Trần Thị Quế Trân đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre (Hội BTBNN&NTT) để cám ơn những ân nhân đã cứu sống cháu. Gặp vợ chồng chị Đẹp tại Hội BTBNN&NTT, tôi nhận ra ngay đó là hai nông dân nghèo vì ở họ hiện rõ nét lam lũ. Còn cháu Quế Trân, mới 5 tuổi, rất hồn nhiên dù trước ngực cháu vẫn lộ rõ một vết thẹo dài từ một ca mổ tim. Chị Đẹp nói: “Cháu Trân là con gái thứ ba của tụi em. Cháu đã bị bệnh tim bẩm sinh hồi mới 5 tháng tuổi. Tháng 9-2008, cháu được Hội BTBNN&NTT lo cho đi mổ tim tại Bệnh viện Triều An (TP.HCM). Sau mổ tim, hiện sức khỏe của cháu đã phục hồi, chạy giỡn, vui đùa như mọi đứa trẻ khác. Hôm nay, tụi em lên đây để cám ơn những người đã cho máu trong ca mổ tim của cháu Trân…”.
Những người tình nguyện hiến máu cho ca mổ tim cháu Trân cũng đã có mặt tại Hội BTBNN&NTT từ trước 8 giờ sáng, họ đang trông đợi được gặp lại cháu Trân. Những người đó gồm: anh Hà Quang Trung, Bí thư Chi đoàn khu phố 2, phường 1, thị xã Bến Tre và 3 học sinh Trường Trung học Y tế (THYT) Bến Tre: Cao Thanh Tùng, Nguyễn Hoàng Giang, Phạm Hoàng Lyl; mỗi bạn cho cháu Trân 1 đơn vị máu (250 ml).
Nhóm máu của cháu Trân là máu AB. Để có đủ máu AB phục vụ cho ca mổ của cháu Trân, chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu, thành viên CLB Trái tim hồng, trợ lý chương trình mổ tim bẩm sinh Hội BTBNN&NTT đã nhanh chóng vận động các bạn trên cho máu cứu sống cháu Trân. Với chị Xuân Hiếu, chị đã 21 lần hiến máu, cứ cách nhau 3 tháng chị tình nguyện hiến máu một lần; đã hiến máu từ hồi chưa có chồng cho đến nay... Chị Xuân Hiếu xúc động: “Bốn bạn trên phải bỏ một ngày từ Bến Tre đến Bệnh viện Triều An chỉ để thử máu. Lấy máu để thử xong, bốn bạn phải quay về Bến Tre, chờ kết quả. Khi đã có kết quả máu tốt rồi, đúng hẹn, bốn bạn phải trở lên Bệnh viện Triều An để cho máu. Cháu Trân cần đến 4 đơn vị máu AB. Trong thời điểm cấp bách, cần có 4 đơn vị máu như thế, nếu máu của một bạn không đạt thì ca mổ sẽ gặp trở ngại ngay”.
Kết quả: máu của bốn bạn tình nguyện hiến cho cháu Trân đều đạt, và ca mổ đã thực hiện đúng lịch, an toàn.
Bạn Nguyễn Hoàng Giang nói: “Tôi cảm thấy thật vui khi máu mình đã cứu sống được bé Trân. Khi lấy máu, tôi có cảm giác hơi lo vì không biết máu của mình có hợp với bé Trân hay không. Tôi rất vui khi biết kết quả xét nghiệm là máu của tôi có thể truyền được cho bé và sau đó chị Hiếu báo tin ca mổ tim cho bé đã thành công”. Bạn Cao Thanh Tùng cho biết: “Rất đơn giản. Tôi đã thấy được máu của mình đang chảy trong người của em Trân. Tôi vui vì thấy em đã khỏe mạnh. Tôi sẵn sàng dùng máu mình để giúp đỡ cho những trường hợp như trên”…
Một nghĩa cử - một phong trào
Hiến máu tình nguyện đang là một phong trào thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tại Bến Tre, Trường THYT là một trong những đơn vị đi đầu ở hoạt động tình nguyện này. Thầy Nguyễn Chí Đông, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng ban hiến máu tình nguyện Trường THYT Bến Tre cho biết: Hàng năm, chỉ tiêu của Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh giao cho trường là 150 đơn vị máu. Trường luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu (năm 2008 gần 40%). Đạt được kết này là do BCH Đoàn trường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đặc biệt là tinh thần tình nguyện của đoàn viên học sinh. Trường có nhiều đoàn viên học sinh hiến máu trên 3 lần, nhiều học sinh của trường sẵn sàng hiến máu đột xuất khi đang thực tập tại bệnh viện. Năm 2009, chỉ tiêu giao cho trường là 180 đơn vị máu. Cũng phải kể đến phong trào này của Trường Cao đẳng Bến Tre. Trong ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4-2009, 126 sinh viên đã đăng ký hiến máu ngay buổi sáng phát động. Trong năm 2008, trường này đã hiến 293 đơn vị máu.
Bác sĩ Huỳnh Văn Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bến Tre, nhớ lại: “Vào năm 2003, toàn tỉnh chỉ nhận được 74 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện, những năm trước đó còn ít hơn. Qua đa dạng hóa trong truyền thông, nâng cao nhận thức trong mọi người, phong trào hiến máu tình nguyện tại tỉnh nhà đã chuyển biến tích cực. Năm 2004 đã tăng lên trên 1.000 đơn vị máu và dự kiến chỉ tiêu của năm 2009 là 3.650 đơn vị máu (năm 2008 chỉ tiêu 3.350 đơn vị máu, nhận 3.763 đơn vị máu).
Tại hầu hết các huyện thị của tỉnh Bến Tre hiện nay đều có các đội hiến máu dự phòng, mỗi đội trên dưới 40 người, nhiều người thuộc nhóm máu hiếm, trong đó hoạt động mạnh nhất phải kể đến Đội hiến máu dự phòng thị xã Bến Tre, huyện Bình Đại, Thạnh Phú.
Nói đến chế độ hiện hành về bù đắp cho người hiến máu, bác sĩ Huỳnh Văn Công tỏ ra hết sức băn khoăn: “Máu là vô giá, chúng ta không thể tính tương ứng bằng tiền. Tuy nhiên, để bù đắp phần nào cho người tình nguyện hiến máu, một chế độ bồi dưỡng cho họ như hiện nay quả là rất lạc hậu. Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Y tế (năm 2004) về chế độ đối với người hiến máu đến nay vẫn được thực hiện, chưa có điều chỉnh gì. Theo đó, người đi hiến 1 đơn vị máu sẽ nhận một món quà trị giá 50.000 đồng, ăn sáng 10.000 đồng, tiền đi lại 20.000 đồng”. Bác sĩ Công tâm tư. |