Chị Nguyễn Thị Lon bên căn nhà gần bị sập.
1. Làm còm cả lưng
Nhà chị Nguyễn Thị Lon nằm sâu trong vườn, thuộc Tổ 11, ấp Tân Hưng, xã Khánh Thạnh Tân. Vóc dáng nhỏ, gầy yếu, lưng còm đã khiến chị Lon già hơn nhiều so với tuổi của mình (57 tuổi).
Kết hôn sớm, anh Thà (chồng chị) bệnh tim qua đời cách nay hơn 4 năm, một mình lo tiền nong cho 5 người con, 2 trai và 3 gái nên chị vất vả trăm bề. Hiện con trai út và 2 người con gái của chị đã có gia đình ở xa, cô út thì đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, còn lại người con trai thứ tư đang làm mướn cho một chủ ghe bơm cát sông.
“Tôi sống với thằng con thứ tư. Nay nó 26 tuổi nhưng không bình thường, do bị tai nạn lúc 14 tuổi phải mổ não. Nó làm không đủ ăn... Tôi không yên tâm khi cho nó đi theo ghe cát, nhưng ngoài làm việc này nó không biết làm gì cả”, chị Lon bày tỏ.
Hàng ngày, chị Lon đi xin lá dừa về chuốt lấy cọng bán với giá 6.000 đồng/kg. Công việc này giúp cho chị kiếm được khoảng 15 - 20 ngàn đồng/ngày. Những lúc chị đau khớp hoặc bị đứt tay thì xem như không có đồng nào cả. Số tiền kiếm được, chị để dành mua gạo. Tranh thủ thời gian rảnh, chị xuống mương mò ốc, xúc tép để làm thức ăn qua ngày. “Lo chạy từng bữa cơm thì việc có cái nhà mới để ở tôi không dám mơ” - chị Lon bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Mãi.
2. Hai vợ chồng đều bị bệnh
Đó là hoàn cảnh khó khăn của bà Nguyễn Thị Mãi (sinh năm 1958) và chồng là Nguyễn Văn Thổ ở Tổ 3, ấp Tân Long 1, xã Tân Thành Bình. Vợ chồng bà đang nuôi con gái đang học lớp 11 tại Trường THPT Lê Anh Xuân.
6 năm trước đây, trong lúc làm thuê cho một chủ cơ sở làm kẹo, chẳng may bà bị trượt chân té ngã. Sau đó thì nghỉ việc ở nhà cùng chồng vay tiền để chăn nuôi heo. Khổ nỗi, giá cả heo lên xuống bất thường khiến bà luôn bị thua lỗ. Ông Thổ (chồng bà), 4 năm trước, trong lúc đi bẻ dừa thuê chẳng may bị tai nạn (dừa rụng trúng đầu). Hiện ông không thể làm việc nặng được, chỉ làm công việc đặt lộp, vảy chài bắt cá trên sông kiếm thức ăn mỗi ngày.
Hiện tại, bà Mãi làm nghề bào vỏ dừa mướn cho chủ, kiếm được khoảng 40 - 60 ngàn đồng/ngày. Nhưng công việc này không được thường xuyên. Đã vậy, chân của bà thường hay bị đau nhức (do bị té trước đây) và gây bất tiện trong việc đi lại, lao động.
Bà Phạm Thị Nhàn bên đống gốc cột nhà đã tháo dỡ.
3. Sống bằng nghề làm thuê, ở đậu
Mái chòi lá của bà Phạm Thị Nhàn cất tạm trên đất của người thân, thuộc Tổ 3, ấp Ông Thung, xã Thạnh Ngãi. Đây là chỗ ở của bà Nhàn và con trai (20 tuổi) bệnh khờ bẩm sinh.
Chòi lá này không có giường, tủ mà chỉ có chiếc bàn nhựa nhỏ cũ và 2 cái ghế nhựa nhỏ. Nhà sau cũng trống trơn, vỏn vẹn có 2 cái lu nước và 2 chiếc nồi dính lọ đen xì đã “tới tuổi”.
Cả hai mẹ con bà Nhàn đều không biết chữ. Họ sống bằng nghề vác đất mướn cho chủ vườn hoặc vác bao thức ăn cho chủ đại lý. Nhà nghèo, lúc bà Nhàn lớn lên thì cha mẹ không còn nữa, bà phải đi làm thuê để kiếm cái ăn. Con của bà, khi lớn lên cũng sống bằng nghề làm thuê.
“Mẹ con tôi, hễ ai kêu gì thì làm nấy, từ làm cỏ, bồi mương cho đến vác mướn. Miễn sao có tiền để sống qua ngày”, bà Nhàn chia sẻ. Số tiền kiếm được “bữa đực, bữa cái” của 2 người dùng để mua gạo ăn. Những lúc bệnh đau, mẹ con bà nhờ vào sự giúp đỡ của chòm xóm.
Công chức phụ trách công tác giảm nghèo xã Thạnh Ngãi Lê Bảo Trị cho biết: “Xã và ấp thường xuyên quan tâm giúp đỡ cho hộ bà Nhàn. Xã cũng đã vận động người dân trong ấp cho bà một nền nhà”.
Bài, ảnh: H. Trâm