
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
Đối với việc một số địa phương đề xuất làm các ao, hồ, kênh trữ nước ngọt ven biển cho sản xuất và sinh hoạt, có một số vấn đề cần cân nhắc: Đầu tiên, cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó đáp ứng tiêu chuẩn cho sinh hoạt. Vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất gây phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh nên hàm lượng Oxy trong nước thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó, phải đảm bảo cắt mọi nguồn ô nhiễm có thể có vào nguồn nước này.
Thứ hai, cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung. Vì khi làm công trình lớn tập trung có thể tiện lợi cho việc quản lý, xử lý nước nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng nước phân bố phân tán có thể xa, tốn kém, làm tăng giá thành của nước.
Thứ ba, các công trình ao, hồ, hay kênh trữ nước cần đặc biệt tính toán đến lượng thất thoát nước. Lượng bốc hơi mặt thoáng vào mùa khô nắng nóng ít nhất là 5 - 6mm/ngày, tức khoảng 150 - 180mm/tháng và trong 6 tháng mùa khô đã mất gần 1 mét nước, chưa kể thất thoát do thấm ngang và thấm dọc, có thể rất lớn nếu đất có hàm lượng cát cao, đặc biệt ở vùng cửa sông Cửu Long. Với lượng thất thoát lớn thì đòi hỏi ao, hồ, kênh mương đó phải đủ sâu chứa được nhiều nước để bù bốc hơi, thấm. Nhưng khi đào sâu thì lại phải xem xét có chạm đến tầng sinh phèn bên dưới hay không.
Thứ tư, do đặc điểm đất ven biển có thể có hàm lượng cát nhiều dễ thấm, khi làm ao hồ sâu để trữ nước thì có thể gặp phải thủy cấp mặn và có khả năng bị mặn thấm ngược vào trong. Thủy cấp mặn có thể lên cao theo những chu kỳ nước lớn, ròng hàng ngày và vào những kỳ nước rong vào ngày rằm và ba mươi âm lịch.
Do đó, các công trình ao, hồ, kênh này có thể cần phải tính đến gia cố lòng kênh, mái kênh để chống thấm và phèn, mặn, xâm nhập. Có thể nên phủ bề mặt bằng thực vật để giúp xử lý nước và giảm bốc hơi mặt thoáng.
Thành Châu