Ngôi sao đầu tiên xuất ngoại đình đám trong thời gian gần đây chắc chắn ai cũng biết tới với lý do “xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông”. Đó chính là ngôi sao, chủ công Trần Thị Thanh Thúy của VTV Bình Điền Long An. Cô chuyển sang chơi cho CLB Denso Airybees của Nhật Bản từ mùa giải 2019.
Nhưng ít ai biết trước đó Thanh Thúy đã từng chơi bóng tại Thái Lan cùng với đàn chị Ngọc Hoa tại CLB Bangkok Glass. Năm 2017, Thanh Thúy cũng từng làm mưa làm gió ở giải vô địch Đài Loan trong màu áo Attack Line. Với những thành công đã làm được, Thanh Thúy xứng đáng là ngôi sao được kỳ vọng nhất của đội tuyển bóng chuyền quốc gia trong thời gian tới.
Thanh Thúy trong màu áo Bangkok Glass
Ngược dòng thời gian trở lại năm 2008, Ngô Văn Kiều mới là VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên xuất ngoại theo dạng… ngoại binh. Anh chơi trong màu áo của CLB Samator Group ở giải vô địch Indonesia. Cả hai mùa giải tại đây, Ngô Văn Kiều thi đấu không thiếu một phút nào, luôn nằm trong ba chủ công ghi được nhiều điểm nhất giải.
Mặc dù trong đội hình CLB Samator có tới 8 tuyển thủ quốc gia Indonesia nhưng vị trí của Ngô Văn Kiều vẫn là bất khả xâm phạm. Để có được chữ ký của chủ công số 1 Việt Nam năm đó, đội bóng xứ Vạn đảo phải “nhường” 2 VĐV xuất sắc Affan và Ayif cho CLB Sanest Khánh Hòa chơi tại giải VĐQG Việt Nam.
Ngô Văn Kiều là cầu thủ hiếm hoi chơi cực hay khi xuất ngoại
Nhắc đến Nguyễn Thị Ngọc Hoa là nhắc tới nữ VĐV bóng chuyền thành công nhất khi xuất ngoại. Năm 2014 Ngọc Hoa mới chính thức “xuất ngoại” tại giải bóng chuyền VĐQG Thái Lan. Bảng vàng thành tích trên đất Thái có thể kể đến với một Siêu Cup Thái Lan trong màu áo của Ayutthaya, hai chức vô địch quốc gia cùng Bangkok Glass. Năm 2015, Ngọc Hoa cũng lập công lớn giúp Bangkok Glass bước lên bục cao nhất của giải CLB nữ châu Á.
Cô gái cao 1,83m này là người đưa bóng chuyền Việt Nam xuất hiện trên bản đồ bóng chuyền thế giới khi cùng Bangkok Glass giành danh hiệu vô địch giải các CLB nữ châu Á năm 2015. Thành công nhất trong chuyến xuất ngoại là việc Ngọc Hoa ghi dấu ấn khi trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên xuất hiện tại giải vô địch các CLB nữ thế giới năm 2016.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa trong màu áo Bangkok Glass
Đỗ Thị Minh là chủ công duy nhất được đội đương kim vô địch Thái Lan Idea KhunKaen chọn đích danh với chế ngộ đãi ngộ đặc biệt. Nhận mức lương trên 3.000USD/tháng trong 3 tháng tranh tài tại đây cũng như được tài trợ toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở.
Có thể nói đó là quãng thời gian đáng nhớ của chủ công CLB Thông tin Liên Việt PostBank khi cô phải ăn tết xa nhà và đánh giải ngay trong những ngày tết. Bù lại chuyến xuất ngoại của chủ công quê Hà Nam đã mang lại cho cô những bài học, kinh nghiệm thi đấu và tập luyện lý thú và bổ ích.
Đỗ Thị Minh trong màu áo Thông tin Liên Việt PostBank
Không ồn ào như các đàn anh, đàn chị, libero Nguyễn Thị Kim Liên đã khoác áo đội đương kim vô địch Thái Lan là Idea Khonkaen.
CLB tranh tài tại giải bóng chuyền vô địch QG Thái Lan là nơi mà chủ công Đỗ Thị Minh cùng với Kim Liên cống hiến trong thời gian 3 tháng. Đây là hai trong số những cầu thủ chơi khá nổi bật tại CLB và được chính đội bóng Thái Lan “chấm” đích danh.
Libero Nguyễn Thị Kim Liên trong màu áo VTV Bình Điền Long An
Nối gót lứa đi trước, mới đây Trần Thị Bích Thủy và Trịnh Thị Khánh là cầu thủ Hóa chất Đức Giang Hà Nội đã có chuyến xuất ngoại sang Thái Lan trong mùa giải 2018/2019. Là hai gương mặt triển vọng hàng đầu của bóng chuyền Hóa chất, bản thân Bích Thủy là phụ công triển vọng hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam cả về chiều cao, sức mạnh cũng như sự thể hiện xuyên suốt tại giải vô địch U19 nữ châu Á, VTV Cup 2018.
Thành công ngoài mong đợi khi kết thúc mùa giải, Trần Thị Bích Thủy được chọn là phụ công chắn bóng xuất sắc nhất Thai League. Danh hiệu của Bích Thủy là hoàn toàn xứng đáng khi cô đã ghi được tổng cộng 147 điểm. Lọt vào danh sách 8 VĐV ưu tú nhất giải VĐQG bóng chuyền Thái Lan, Bích Thủy đã làm được điều mà chỉ có đàn chị Ngọc Hoa đã làm được.
Trần Thị Bích Thủy và Trịnh Thị Khánh trong buổi ra mắt CLB Air Force
Sự thành công của những cầu thủ nói lên tố chất và tiềm năng của bóng chuyền Việt Nam nếu biết đầu tư và đi đúng hướng. Hy vọng rằng với những thành công trong quá khứ, thời gian tới đây sẽ còn nhiều VĐV nói tiếp thế hệ trước thành công trên bình diện Châu Á và thế giới.
Trọng Ân (tổng hợp)