Những người lính vươn lên trong cuộc sống

25/07/2012 - 08:03
Đồng chí Trương Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa các thương binh tiêu biểu vượt khó.

Là một trong những tỉnh chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, Bến Tre có hơn 35 ngàn liệt sĩ, hơn 15 ngàn thương binh và hơn 1,5 ngàn bệnh binh, hơn 2 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 180 mẹ).

Bên cạnh việc được trợ cấp ưu đãi, người thuộc diện chính sách đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc. Và thật đáng quý biết bao, dù vẫn đón nhận sự quan tâm ấy của Đảng, Nhà nước và nhân dân nói chung nhưng rất nhiều những thương binh vẫn luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nhận định: Chúng ta hết sức tự hào và khâm phục các đồng chí thương binh tuy mang trong mình nhiều thương tật, nhưng các anh, các chị với ý chí và nghị lực phi thường đã vượt lên những khó khăn, đoàn kết bên nhau tiếp tục cống hiến cho xã hội, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo dựng lên những cơ sở sản xuất, tăng nguồn thu nhập, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người, đặc biệt là con em thương binh, gia đình liệt sĩ.

Minh chứng là tấm gương thương binh Trịnh Văn Y (còn gọi ỉlà ông Hai cầu đường) - người được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ông là một cán bộ lãnh đạo tỉnh nghỉ hưu. Bằng tâm huyết của mình, với vai trò Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre, ông đã vận động và xây dựng hơn 1 ngàn cây cầu, góp phần xóa thế ngăn sông rạch ở khắp ba dải cù lao của quê hương xứ Dừa.

Hay chuyện về người nữ thương binh Lê Thị Hồng (bí danh Sáu Thắng) cũng là câu chuyện mang đầy xúc cảm. Chị tham gia cách mạng khi mới tròn 16 tuổi, trong quá trình hoạt động, chị đã 3 lần bị địch bắt và bị đánh đập dã man nhưng chị vẫn kiên cường không lùi bước. Chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trở về đời thường, chị tiếp tục là nhân tố tích cực của nhiều phong trào cách mạng tại địa phương, trong đó, chị đã vận động trên 600 triệu đồng xây dựng 13 nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội và 44 nhà tình thương... Hay chuyện người thương binh với tỷ lệ thương tật 82% tên gọi Lê Tiền Phong (xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam) không chỉ tích cực vận động quỹ xây nhà tình nghĩa, tình thương, cầu, đường (với hơn 1 tỷ đồng) mà bản thân ông còn trích đóng góp cả tiền trợ cấp thương binh của mình vào đó để góp phần làm cho quê hương ông thêm tươi đẹp. Thương binh Lê Nhật Thâu là hình ảnh sáng ngời về nghị lực, dù bị thương tật (mất một bàn tay và mất đi một ngón tay ở bàn tay còn lại) nhưng anh đã vượt qua thử thách để học thành thạo nghề làm kềm (cắt móng tay). Không những thế, anh đã dần gầy dựng nên một cơ sở sản xuất cho riêng mình và tạo việc làm cho hơn 40 lao động có thu nhập ổn định (trong đó, số đông là con em của thương binh, cựu chiến binh); ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội...

Phát biểu trong buổi lễ họp mặt Thương binh tiêu biểu vượt khó tỉnh Bến Tre năm 2012 được tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, đồng chí Huỳnh Nam Bình - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nêu: Bên cạnh sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và của toàn xã hội trong thực hiện chính sách thương binh - liệt sĩ - người có công, thì chính sự nỗ lực, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống của các đồng chí thương binh là yếu tố rất quan trọng giúp cho phong trào giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình trong cán bộ, hội viên Cựu chiến binh ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Có thể nói, các đồng chí thương binh, cựu chiến binh không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận sản xuất chống đói nghèo. Chúng ta hết sức tự hào và khâm phục những tấm gương ấy - những người đã cống hiến một phần thân thể của mình nơi chiến trường, nay tiếp tục ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, đoàn kết bên nhau, tiếp tục cống hiến cho xã hội, vượt khó sản xuất, kinh doanh giỏi trong cơ chế thị trường. Các đồng chí còn là những công dân tốt, gương mẫu trong gia đình, hoàn thành trách nhiệm của một người ông, người bà, người cha, người mẹ, luôn tận tụy, thủy chung, chăm sóc, nuôi dạy con cái thành đạt.

Những thương binh vượt khó không chỉ là những nhân chứng sống của lịch sử quê hương mà còn là những tấm gương, bài học thực tiễn, cụ thể để thế hệ của hòa bình khâm phục, noi gương.

Hướng đến kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 23-7-2012, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh long trọng tổ chức buổi họp mặt Thương binh tiêu biểu vượt khó nhằm tôn vinh những tấm gương thương binh vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Tham dự, có đồng chí Trương Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Nam Bình - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và Đại tá Huỳnh Văn Be - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đại diện các sở ngành tỉnh và 270 đại biểu thương binh vượt khó, đại diện cho hơn 15 ngàn thương binh toàn tỉnh.

 

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN