 |
Bữa cơm ấp áp tình cảm gia đình. Ảnh: Á. Nguyệt |
Đã bao mùa chiến dịch đi qua, ba tiếng Mùa hè xanh (MHX) trở nên quen thuộc tự bao giờ với bà con xóm ấp, vùng sâu và hình ảnh chiến sĩ tình nguyện trẻ tuổi mang cả bầu nhiệt huyết xả thân với những công trình, phần việc cũng đã trở thành mẫu hình rất đỗi thân thương nơi vùng quê còn nhiều gian khó. Bên cạnh các chiến sĩ- những nhân vật được xem là trung tâm của chiến dịch MHX là Ban chỉ huy chiến dịch, những nhà tài trợ, những gia đình sẵn sàng đón nhận nuôi quân... Những người đã mang cả trái tim để hòa cùng chiến dịch, góp sức mình cho MHX trưởng thành từng bước.
Kể lại những kỷ niệm ban đầu cùng chiến dịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Dương Tuấn (Nguyên Phó ban chỉ đạo chiến dịch cấp tỉnh năm 2000-2002) bồi hồi theo từng xúc cảm: Nhớ lại năm 2000, hồi ấy Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Bến Tre lần thứ VI diễn ra từ tháng 7-1997 đã đề ra mục tiêu là “Đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện” đi xây dựng quân đội, xóa cầu khỉ…và Tỉnh Đoàn đang tìm hướng triển khai mở rộng đội hình thanh niên tình nguyện sang các lĩnh vực khác. Đúng lúc ấy thì Thành Đoàn TP.HCM cho hay muốn phối hợp với Tỉnh Đoàn triển khai chiến dịch MHX tại Bến Tre. Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức chiến dịch vào hè năm 2000. Vì lần đầu phối hợp tổ chức chiến dịch nên Tỉnh Đoàn Bến Tre có nhiều lúng túng, đầy lo lắng. Mà không lo sao được khi có gần 700 sinh viên tình nguyện từ thành phố xuống quê hương mình công tác một tháng, đất và người chưa quen không biết có phù hợp. Biết bao câu hỏi, tình huống được đặt ra cho Tỉnh Đoàn cần phải có phương án giải quyết nhanh và hiệu quả nhất. Niềm vui cứ xen lẫn nỗi lo cứ hòa quyện thúc bách trong lòng chúng tôi không dứt trong hơn 30 ngày đêm chuẩn bị và tổ chức chiến dịch…
Mùa hè xanh được thực hiện từ trái tim hay chỉ là phong trào? MHX thực chất hay chỉ là hình thức? Thầy Võ Tấn Thông- Trưởng phòng Công tác Chính trị- sinh viên Trường Đại học Bách khoa, người đã có 20 năm gắn bó với phong trào thanh niên tình nguyện, 3 năm tại Bến Tre cùng hàng trăm chiến sĩ Bách khoa đã dốc cả tâm huyết xây dựng thành công hàng trăm công trình cho bà con nghèo vùng sâu, khẳng định mạnh mẽ vai trò của chiến dịch, sự dốc lòng dốc sức của các chiến sĩ trên các mặt trận tình nguyện.
Người chỉ huy “nặng tình” với chiến dịch MHX Bến Tre chia sẻ:
Từ 150 em trong năm đầu tiên, đến nay đã có gần 1 ngàn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch tại Bến Tre. Chúng tôi chú trọng khâu tổ chức, quản lý, sự góp mặt của đội ngũ chỉ huy, giám sát nhiều kinh nghiệm; quan tâm đặc biệt đến vấn đề lên kế hoạch cụ thể từ khâu tiền trạm, xác định công trình, đăng ký công trình và quyết tâm thực hiện công việc theo đúng tiến độ đề ra. Giải quyết tốt vấn đề vận động tài trợ để tạo niềm tin cho các đơn vị, cá nhân, thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tài chính. Việc đề cao tính kỷ luật cũng góp phần cho sự thành công của chiến dịch, ngoài ra còn phải đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho chiến sĩ.
Kế hoạch đã lập rồi, nguồn nhân lực cũng đã có nhưng để triển khai “suôn sẻ” phải kể đến một vấn đề hết sức trọng tâm, là kinh phí. Ngoài nguồn chi của tỉnh, thì việc góp sức cho phong trào “khí thế” hơn phải kể đến tấm lòng của những mạnh thường quân, những nhà tài trợ. Rất nhiều bàn tay đã cùng góp sức qua bao mùa chiến dịch: tiền mặt, áo, nón…để MHX diễn ra thuận lợi nhất. Công ty TNHH Thủy sản Huy Thuận, Viễn thông Bến Tre, những đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh… đã cùng song hành với Tỉnh Đoàn Bến Tre để tô thắm thêm màu xanh sắc áo tình nguyện. Và khi nói đến nghĩa tình MHX thì không thể không nói đến những gia đình nuôi quân, ấy chính là các ba, các mẹ, các chị…đã mở rộng vòng tay đón sinh viên về nhà mình chăm sóc, nuôi nấng như những người thân trong gia đình để các sinh viên an tâm làm việc. Một “học kỳ 3” cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân Bến Tre đã làm nên nỗi nhớ cho sinh viên khi chiến dịch kết thúc. Dì Nguyễn Thị Thẳng ở ấp Thạnh Hưng B- xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) là gia đình đã tròn 10 năm nuôi quân đồng hành cùng chiến dịch MHX Bến Tre. Dì nhớ lại những ngày đầu: Thạnh Hải khi ấy còn nghèo, thiếu thốn về mọi mặt, có nhiều người vẫn chưa biết đến MHX là gì nữa, nhưng thấy chiến sĩ làm việc tình nguyện cho quê mình thì bà con ai cũng thương mến.
Vì các cháu, gia đình tôi rất vui lòng làm công tác hậu cần. Giữa chúng tôi và các cháu không còn phân biệt “chủ” hay “khách”. Nhiều cháu sau này ra trường thành đạt, có dịp về Bến Tre lại tìm đến thăm gia đình chúng tôi. Tình cảm như những đứa con xa về thăm cha mẹ vậy.
Nói sao hết nghĩa tình của những người đã mang cả trái tim mình đi cùng chiến dịch: có nước mắt, nụ cười, có những trăn trở lo toan, những suy tư khi chiến dịch gặp khó khăn, hạn chế và cả niềm hạnh phúc khi nhìn thấy bà con, nhất là ở những vùng sâu được hưởng các công trình phúc lợi từ các bàn tay tình nguyện…Tất cả đã thắp sáng thêm ý nghĩa của ngọn lửa tình nguyện MHX.