Người dân chở nước ngọt miễn phí về sử dụng trong sinh hoạt.
Niềm vui có nước ngọt
Sáng 4-3-2020, chợ Trường Thịnh, xã Thạnh Ngãi náo nhiệt hơn hẳn mọi ngày, người dân ở các ấp gần chợ ngóng chờ sà lan đưa nước ngọt về.
Sau một ngày đi Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) lấy nước ngọt, sà lan của nhà anh Huỳnh Văn Bền, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đã chở gần 700m3 nước ngọt về đậu tại sông Cái Cấm để chuyển nước ngọt vào các túi trữ tại khu vực chợ Trường Thịnh hoặc bơm phát trực tiếp cho người dân đến lấy nước ngọt.
Có mặt tại chợ Trường Thịnh từ sớm, bà Nguyễn Thị Thể, ấp Chợ Cũ, xã Thạnh Ngãi cho biết, nhà ở cách chợ 1km nhưng nghe ấp thông báo hôm nay có nước ngọt về, bà đẩy xe rùa chở theo 3 can nước để lấy nước ngọt về dùng.
“Cả tháng nay dùng nước mặn bất tiện đủ điều, nay có nước ngọt về lại được phát miễn phí thì phấn khởi lắm. Bà con ở đây ai cũng háo hức rủ nhau đi lấy nước” bà Thể vui vẻ cho biết.
Còn bà cụ Đặng Thị Hẹ đã 78 tuổi cũng đem thùng ra hứng nước ngọt về dùng. Cụ Hẹ cho biết, có nước ngọt về là mừng lắm, nhà có bao nhiêu thùng cũng muốn đem ra chứa nước về dùng nhưng ở xã quy định mỗi người chỉ được 20 lít sử dụng trong một ngày. Có nước ngọt nhưng dùng tiết kiệm vì hạn mặn ai cũng khó khăn, ai cũng thiếu nước nên cùng nhau chia nước mà dùng.
Đưa tay hứng những giọt nước bị rỉ ra từ ống nước, ném thử ngụm nước, chị Trần Thị Ngọc Ngà, xã Phú Mỹ xuýt xoa khen “Ngọt, nước ngọt lắm chứ không như nước mua từ mấy xe bồn. Tiếc là nhà không ở đây để được lấy nước về dùng”.
Đứng đợi lấy nước về, chị Trần Thị Ngọc Lan, ấp Chợ Cũ cho biết: “Từ khi nước nhiễm mặn, người dân thiếu nước trầm trọng cả trong sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi, sản xuất. Nhiều gia đình phải mua nước ngọt từ các sà làn, xe bồn và nước bình về dùng nhưng nhiều khi mua cũng không có. Hôm nay, có nước ngọt về phát miễn phí, ai ai cũng mừng vui như ngày hội”.
Càng về trưa, người dân ở xã Thạnh Ngãi đến lấy nước càng đông. Mỗi người xách vài can nước 5 lít, 10 lít, 20 lít, 30 lít lấy nước về dùng. Ai cũng vui mừng, phấn khởi vì nguồn nước ngọt "thiệt ngọt" và không tốn tiền mua.
Sẻ chia nguồn nước ngọt
Tham gia đưa nước từ sà lan bơm vào túi trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Ngãi Lê Văn Kiện dặn dò người dân đến lấy nước: “Nước ngọt này bà con sử dụng tiết kiệm, dùng để sinh hoạt (nấu ăn, uống, tắm, giặt) chứ không nên dùng tưới cây”.
Người dân xã Thạnh Ngãi lấy nước ngọt miễn phí tại chợ Trường Thịnh sáng ngày 4-3-2020.
Xã Thạnh Ngãi có 8 ấp. Đây là xã đầu tiên của huyện Mỏ Cày Bắc được tiếp cận nguồn nước ngọt “xã hội hóa”. Xã có 2 điểm tiếp nhận nguồn nước ngọt này để trữ, cung cấp cho người dân toàn xã: tại chợ Trường Thịnh (ấp Chợ Cũ) và tại UBND xã. Từ vài ngày trước, cán bộ xã và huyện đã khảo sát địa điểm, chuẩn bị mặt bằng để 6 túi trữ nước loại 25m3/túi, chứa nước phục vụ người dân đến lấy nước ngọt.
Phó chủ tịch xã Thạnh Ngãi Lê Văn Kiện cho biết, bà con ở xã rất vui, đây là nguồn nước ngọt miễn phí đầu tiên được cung cấp đến người dân. Vì vậy, xã sẽ quản lý nguồn nước để cung cấp cho người dân toàn xã sử dụng sinh hoạt. Đối với những hộ có điều kiện sức khỏe và phương tiện thì trực tiếp đến 2 điểm cấp nước xã đã thông báo để lấy; đối với những hộ nghèo, neo đơn, bệnh tật thì xã sẽ xã hội hóa hoặc trích kinh phí từ nguồn ngân sách xã để thuê xe chở đến tận nhà.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mỏ Cày Bắc, UBND huyện sẽ kêu gọi xã hội hóa và trích kinh phí từ nguồn phòng chống thiên tai để chở nước về phục vụ người dân. Toàn huyện có 4 xã tận dụng bể bơi ở các trường học để trữ nước; các xã, thị trấn còn lại được huyện hỗ trợ từ 2 - 6 túi trữ nước ngọt cung cấp cho người dân.
Dự báo hạn mặn có khả năng kéo dài và người dân phải tiếp tục sống trong tình trạng thiếu nước ngọt. Vì thế, chủ trương của huyện Mỏ Cày Bắc và những chủ sà lan sẵn sàng hỗ trợ huyện để đưa nguồn nước ngọt về “giải cơn khát” cho người dân là một việc làm kịp thời, thiết thực, nghĩa cử đẹp trong thiên tai hạn mặn.
Ngày 4-3-2020, sà lan nước ngọt đầu tiên về huyện Mỏ Cày Bắc, dự kiến sẽ cung cấp cho 3 xã: Thạnh Ngãi, Thanh Tân và Phú Mỹ, sau đó sẽ tiếp tục đi chở nước ngọt về cung cấp cho các xã còn lại.
Huyện Mỏ Cày Bắc đã vận động xã hội hóa được 2 sà làn, mỗi sà lan chở được khoảng 800m3 nước ngọt phục vụ người dân 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo anh Huỳnh Văn Bền, sà lan chở nước cho biết, chi phí xăng dầu, thuê người phụ đi chở nước từ Sa Đéc về huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 20 triệu đồng nhưng tất cả đều cung cấp miễn phí cho bà con.
|
Bài, ảnh: Viết Duyên