Nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

25/05/2020 - 07:07

BDK - Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngành thủy sản (TS) tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục. Đến nay, các nỗ lực đã và đang thu được kết quả khả quan.

Lực lượng tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Lực lượng tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Những kết quả nổi bật

Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh Huỳnh Văn Cung cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền trực tiếp đến chủ tàu cá về quy định liên quan đến chống khai thác IUU. Đồng thời, duy trì thường xuyên trên hệ thống truyền thanh 10 xã trọng điểm và 3 cảng cá trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chủ các tàu cá ra vào cảng đều thực hiện đúng theo quy định, ghi nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải TS đầy đủ.

Các cảng cá đã kiểm tra, rà soát, nhất là công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách ghi chép và công tác kiểm soát tàu ra, vào cảng được thực hiện thường xuyên. Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng làm tốt công tác kiểm soát biên phòng, quản lý tàu cá xuất, nhập bến tại các cảng cá theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Lực lượng đã tuân thủ và kiên quyết không giải quyết xuất bến đối với các trường hợp tàu cá không có đầy đủ giấy tờ, thực hiện theo thủ tục và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Kết quả, lực lượng đã kiểm soát xuất nhập bến 806 lượt phương tiện, với 5.385 lượt người. Qua kiểm tra, kiểm soát xuất nhập bến chưa phát hiện vi phạm. Ngoài ra, Hải đội Biên phòng 2 tổ chức 2 tàu tuần tra, kiểm soát trên biển theo quy định, kết hợp thanh tra, giám sát nghề cá vùng biển tỉnh, phát hiện 1 trường hợp/1 tàu cá vi phạm quy định về kiểm tra, kiểm soát.

Công tác tổ chức thực hiện các quy định của Luật TS cũng được triển khai tốt. Chi cục TS luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàu khai thác không có giấy phép, giấy phép khai thác không đúng với nghề thực tế, các trường hợp gian lận, tự ý chuyển nghề khai thác bất hợp pháp. Các cảng cá đã giám sát 1.587 lượt tàu rời cảng đi khai thác; 631 lượt tàu cập cảng lên hàng TS, với sản lượng 191,95 tấn. Tổ kiểm soát nghề cá kiểm tra 1.331 lượt tàu rời cảng đi khai thác; tàu cập cảng lên hàng TS 587 lượt. Công tác xác nhận, chứng nhận nguyên liệu TS từ đầu năm đến nay chưa có hồ sơ phát sinh.

Đầu năm 2020, tỉnh có trên 500 trường hợp tàu cá chưa gắn thiết bị giám sát và bị mất tín hiệu. Sau khi lực lượng chuyên môn tiếp cận tuyên truyền, có 200 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát. Mặc dù chậm nhưng được tuyên truyền và cho ký cam kết xử lý thì 1 - 2 ngày sau ngư dân sẽ tiến hành lắp đặt theo quy định. Điều này cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra đã phát huy hiệu quả.

Còn tồn tại Khó khăn

Tỉnh còn số lượng lớn tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hết hạn giấy phép. Phần lớn tàu vi phạm không liên hệ được với chủ tàu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại xã, lực lượng không thể tiếp xúc được để tuyên truyền. Mặt khác, số lượng lớn tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng mất tín hiệu, không cập nhật được trên phần mềm của Tổng cục TS, đa phần là thiết bị giám sát movimar. Đây là thiết bị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp, trang bị cho các tàu từ 24m trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ NN&PTNT không còn bao tiêu thuê bao thiết bị giám sát nên muốn sử dụng phải đăng ký mới từ ngày 1-4-2020.

Mặc dù tỉnh đã gửi thông báo việc mất tín hiệu nhưng đến nay chỉ có 25/250 trường hợp có đăng ký sử dụng lại. Đa phần chủ tàu chưa chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như hết hạn giấy phép đều khai thác vùng biển khơi ngoài tỉnh không về địa phương. Mặt khác, hiện nay phần mềm quản lý hoạt động TS của Tổng cục TS chưa ổn định. Có khi mất tín hiệu do phần mềm, có khi mất tín hiệu do chủ phương tiện, do đó chưa đủ điều kiện để xử lý.

Theo ông Huỳnh Văn Cung, quy định xử lý tàu cá không gắn thiết bị giám sát là quy định mới, mức xử lý rất nặng nên tỉnh còn dè dặt, biện pháp trước mắt là tuyên truyền. Khi lực lượng chuyên môn có thông báo mất tín hiệu, ngư dân không khắc phục thì đó là bằng chứng để áp dụng biện pháp chế tài. “Sắp tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tổng điều tra, thanh tra đến từng nhà, từng hộ ngư dân. Trường hợp ngư dân cố tình vi phạm không khắc phục thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Huỳnh Văn Cung cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền trên cả thông tin truyền thông số hiệu tàu mất tín hiệu, số tàu không lắp đặt thiết bị, số tàu hết giấy phép… cập nhật và thông tin rộng khắp, định kỳ 1 tháng/lần để thông tin về địa phương nắm. Đối với tàu hoạt động ngoài tỉnh không liên hệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hết hạn giấy phép thì tỉnh sẽ gửi thông báo đến các tỉnh để cùng phối hợp, thanh tra, kiểm tra các trường hợp tàu nêu trên. 

Toàn tỉnh có 1.851 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ gần 92%; có 168 tàu chưa lắp, 143 tàu đã ngưng hoạt động. Tính đến ngày 20-5-2020, có 331 thiết bị mất tín hiệu và có thông báo đến ngư dân.

Theo quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP, phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu 15 - 24m không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 800 triệu - 1 tỷ đồng đối với tàu trên 24m. 

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN