Nỗ lực duy trì và phát triển chuỗi dừa

07/04/2023 - 05:30

BDK - Chuỗi dừa là chuỗi có tính hiệu quả nhất với quy mô liên kết, phát triển dài và sâu nhất trong 8 chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, giá thu mua dừa nguyên liệu tại vườn đã giảm sâu và kéo dài trong 2 năm qua. Các doanh nghiệp (DN) đầu chuỗi đang dần “đuối sức”. Tại hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, các địa phương đã phản ánh một số khó khăn và dấu hiệu về nguy cơ “đứt gãy” chuỗi dừa nếu không có những giải pháp kịp thời.

Liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ của Công ty cổ phần Đầu tư dừa BEINCO.

Liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ của Công ty cổ phần Đầu tư dừa BEINCO.

Tầm quan trọng của chuỗi giá trị

Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình phản ánh tình hình chuỗi dừa tại địa phương là chậm phục hồi. DN đầu chuỗi có đầu ra chậm. Thời gian DN chậm trả tiền cho nông dân ngày càng kéo dài ra hơn. Qua trao đổi nắm tình hình, đối tác của DN cũng gặp khó khăn về thị trường. Vài tháng nay đã xuất hiện trường hợp người dân trong chuỗi liên kết tiêu thụ dừa ra bên ngoài chuỗi cho thương lái… Trước tình hình này, Bí thư Huyện ủy bày tỏ lo lắng về nguy cơ phá vỡ chuỗi dừa.

Đây cũng là vấn đề nổi lên của huyện Mỏ Cày Nam, địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh. Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho rằng: Việc thu mua của DN không đảm bảo, nợ kéo dài. Có DN nợ hợp tác xã dừa kéo dài đến 2 tháng, dẫn đến hợp tác xã nợ dân. Trước bức xúc của dân, DN xử lý tình huống bằng cách lên tiếng để dân bán dừa ra ngoài chuỗi nếu không chấp nhận nợ. Điều này vô hình trung đang phá vỡ mối liên kết.

Có thể thấy, đó là một thỏa thuận phát sinh và không giấy tờ nhưng bộc lộ rõ vấn đề sức khỏe từ các “đầu mối” của từng “sợi dây” liên kết. Mặc dù các DN đầu chuỗi đã tích cực duy trì sản xuất, thực hiện tốt các cam kết với người dân trong chuỗi về thu mua nhưng đã đến lúc… kêu cứu.

Chuỗi dừa luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh và có sự tiếp nối, kế thừa, phát huy qua các nhiệm kỳ Đại bộ Đảng bộ tỉnh. Từ lâu, cây dừa đã được xác định là loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể được đề ra, nhằm phát triển ngành dừa. Dừa là một trong 8 chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh được tập trung xây dựng và phát triển từ năm 2016 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thông qua việc ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Từ nghị quyết này, chuỗi dừa cùng với các chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh (bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, hoa kiểng, con bò, heo, tôm biển) được tập trung xây dựng và phát triển. Chuỗi giá trị dừa được hình thành dựa trên sự gắn kết giữa các nhóm tác nhân có chức năng sản xuất trực tiếp, gồm: các nhà cung cấp vật tư đầu vào cho trồng dừa, người trồng dừa, hệ thống thương lái, các cơ sở sơ chế và các cơ sở, DN chế biến sản phẩm dừa.

Đầu tư chế biến dừa

Cùng với đó là tỉnh tập trung thực hiện chương trình phát triển ngành dừa theo hướng toàn diện, bền vững từ khâu trồng, canh tác, thu hoạch đến chế biến tạo giá trị gia tăng. Công tác mời gọi hợp tác, thu hút đầu tư chế biến vào ngành dừa được tập trung. Hoạt động chế biến dừa công nghiệp không ngừng phát triển một cách sôi động, hiệu quả. DN tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường ra gần 100 quốc gia trên thế giới…, tạo niềm tin vững chắc cho người trồng dừa.

Đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển trên 73 ngàn ha dừa, tăng khoảng 5 ngàn ha so với năm 2016. Sản lượng từ 600 - 700 triệu trái/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 210 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20 - 25% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định tầm quan trọng của ngành dừa nói riêng và các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nói chung, đặt ra mục tiêu phát triển chuỗi cây dừa đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm. Nhằm cụ thể hóa, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ngày 15-6-2022, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích trồng dừa trên 78 ngàn ha, trong đó chiếm gần 22% diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, với 9 DN tham gia liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ. Định hướng giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển 20 ngàn ha dừa hữu cơ.

Đối với các DN dẫn đầu trong ngành dừa như: Betrimex, Vietcoco, Beinco, Thuận Phong, Thế Giới Việt, hiện nay, các DN này đã và đang đẩy mạnh liên kết các vùng trồng dừa thuộc các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn và ổn định. Hầu hết các DN đều áp dụng 3 tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu. Ngoài ra, một vài DN lớn đang phát triển thêm các chứng nhận hữu cơ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và cả tiêu chuẩn thương mại công bằng.

Đẩy mạnh các giải pháp

Trở lại với tình hình khó khăn chung của các DN và nỗi lo nguy cơ đứt gãy chuỗi dừa, thông tin từ APCC cũng phần nào giải đáp nỗi lo của người dân và DN ngành dừa trong tỉnh. Hiệp hội Dừa tỉnh và các DN đầu chuỗi cùng khẳng định niềm tin: Khó khăn hiện nay của ngành dừa nói chung và DN cũng chỉ mang tính tạm thời, do ảnh hưởng chung mang tính toàn cầu. Đồng thời,  do sự siết chặt xuất khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại của các nước.

Để củng cố niềm tin của người dân, thời gian qua, các DN đã tổ chức các buổi gặp gỡ để thông tin, bày tỏ mong muốn người trồng dừa cùng DN hãy đồng hành, chia sẻ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn chung như hiện nay. Các chi nhánh ngân hàng thương mại tại địa phương cũng đã vào cuộc để đồng hành với DN và người trồng dừa.

Về phía ngành Công Thương đã chủ trì, tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại ngành dừa với các nước thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến. Sở cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh làm việc với các DN đứng đầu chuỗi có xuất khẩu dừa để bàn giải pháp tháo gỡ tiêu thụ dừa trong dân, làm việc với các ngân hàng để có kế hoạch khoanh nợ, gia hạn nợ cho DN và mở ra thị trường xuất khẩu dừa cho DN. Hiện tỉnh cũng đang kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ đàm phán xuất khẩu dừa trái chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục cho phép xuất khẩu dừa sang Mỹ.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhận định ngành dừa Bến Tre có lợi thế phát triển tốt trong tương lai. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đang đặt ra vấn đề phá vỡ chuỗi liên kết ngành, người trồng dừa sẽ thế nào? Ngành dừa sẽ ra sao?

Trả lời các câu hỏi này, ông Huỳnh Quang Đức khẳng định: Không có chuyện đứt gãy hay phá vỡ chuỗi dừa. Trong câu chuyện này, nếu DN không đủ năng lực duy trì liên kết tiêu thụ thì các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tiếp tục thực hiện liên kết với DN khác. Vấn đề ở đây chỉ có thể là sự thay đổi ở các đầu mối liên kết. Về phía người trồng dừa, cần giữ vững quan điểm, lập trường liên kết chặt chẽ giữa người trồng với nhau, tạo vùng sản xuất tập trung, giữ vững canh tác tiêu chuẩn hữu cơ, tạo vị thế đủ mạnh trong các liên kết với DN. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung các nhiệm vụ phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ, hỗ trợ hình thành các liên kết, thực hiện duy trì và mở rộng các vùng thí điểm sản xuất dừa hữu cơ tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị…

Theo thông tin dự báo từ Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương (APCC), thế giới có nhu cầu các sản phẩm chế biến từ dừa ngày càng tăng. Dự báo dừa thuộc nhóm đứng đầu về xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn trên toàn cầu trong tương lai. Tính chung trên thế giới, bình quân nhu cầu về sử dụng dừa tăng 10%, trong khi đó cung chỉ tăng dưới 1% và khoảng cách ngày càng có xu thế gia tăng. Trong đó, mức tăng về nhu cầu kem dừa tăng 36%; nước dừa tăng 25%; dầu dừa tinh khiết tăng 21%...

Thông tin phấn khởi từ ngành chức năng và phía DN là hiện nay giá dừa cho nhà vườn có hướng tăng lên, dao động 50 - 60 ngàn đồng/chục. Có khu vực giá 64 ngàn đồng/chục (tại huyện Giồng Trôm). Tình trạng chậm trả nợ được DN khắc phục.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN