Nông dân khẩn trương bơm nước cứu lúa

15/07/2015 - 07:32
Lúa đã hơn tháng tuổi nhưng lùn như mạ và thưa khiến nông dân hết sức lo lắng (ảnh chụp tại xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú).

Vụ lúa Hè Thu 2015 được khoảng 30 ngày tuổi. Đây là thời gian sinh trưởng quan trọng của cây lúa để chuẩn bị cho giai đoạn làm đòng. Nhưng năm nay mưa đến muộn hơn, lại mưa nhỏ nên ruộng luôn thiếu nước. Để cứu lúa, nhiều nơi, bà con phải thường xuyên bơm nước vào ruộng, tốn thêm chi phí sản xuất… Trong khi đó, khoảng 50ha lúa ở huyện Thạnh Phú chấp nhận mất trắng.

Nước Bơm nhưng không trữ được

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500ha lúa bị ảnh hưởng, ước thiệt hại từ 30 - 50% năng suất. Thời gian này, ở hầu hết những cánh đồng lúa trong tỉnh luôn vang rền tiếng máy nổ. Nông dân đang tích cực bơm nước vào ruộng.

Đặt máy bơm xong, nông dân Lê Văn Mười, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri vội đi theo rõng lúa để nhổ cỏ dại. Vì ruộng thiếu nước nên ông Mười không dám phun thuốc trừ cỏ, bởi có thể thuốc không phát huy tác dụng. “Nếu phun thuốc, mà không có tác dụng nghĩa là chi phí sản xuất của mình tăng lên một cách phi lý. Trong khi những năm qua, mỗi công lúa chỉ lãi khoảng 500 ngàn đồng. Mà chắc rồi, vụ này sẽ lỗ vì đợt sạ đầu bị hư phải sạ thêm lần nữa, nay lại tốn thêm tiền mua máy bơm, dầu chạy…” - ông Mười nói. Tuy nhiên, tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, nếu bà con tích cực bơm nước thì mùa vụ sẽ giảm thiểu bị thiệt hại.

Ở tiểu vùng 1 huyện Thạnh Phú là khu vực trồng lúa 3 vụ nhưng vì đặc thù rất ít ruộng có khả năng sử dụng tốt bờ vùng, bờ thửa; phần lớn ruộng trũng thấp, lại thêm mực nước kênh thấp nên không tích nước được. Trong khi mực nước trên sông Cổ Chiên độ mặn lên xuống bất thường nên ngành Nông nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc lấy nước vào kênh. Và đã có rất nhiều hộ do bơm nước vào ruộng mà không trữ được đã gây hiện tượng bốc phèn, làm thiệt hại nghiêm trọng nhiều cánh đồng.

Mong sớm có hệ thống cống hoàn chỉnh

Hiện nay, nhiều cánh đồng lúa ở một số xã như Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Bình Thạnh… bị thiệt hại do tình trạng thiếu nước rất nghiêm trọng. Lúa hơn tháng tuổi mà nhìn cứ như mạ. Ông Nguyễn Văn Dứt - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thạnh Phú nói: “Là cây lúa nước nhưng nay thiếu nước chỉ còn lúa, biết khuyến cáo bà con gì bây giờ! Chỉ mong sao cho hệ thống cống hoàn chỉnh mới mong trữ được nước ngọt. Và vụ Hè Thu này, diện tích gieo sạ không đạt kế hoạch đề ra”.

Theo ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, vụ Hè Thu năm nay, bà con gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nước. Chủ yếu do lượng nước từ thượng nguồn đổ về ít hơn những năm qua, dẫn đến mực thủy cấp dưới kênh quá thấp so với mặt ruộng. Và độ mặn trên các sông luôn cao và kéo dài trong khi lượng mưa năm nay quá ít và phân bố không đều giữa các ruộng. Hệ quả của những bất lợi đó là ngay từ đầu vụ việc rửa phèn cho đất đã khó thực hiện, dẫn đến lúa bị nhiễm phèn, mặn.

“Ở giai đoạn chuẩn bị làm đòng như hiện nay, nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa khi thu hoạch. Vì thế, nếu có điều kiện, bà con cần thiết phải làm mọi cách để cho nước vào ruộng lúa. Bởi vì, không có nước, việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gần như vô tác dụng. Cây lúa sẽ không thể đẻ nhánh để phát triển ở giai đoạn tiếp theo” - ông Võ Văn Nam cho biết thêm.

Ông Lê Công Tám - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết: Trong tháng 7 này, nhiều khả năng thời tiết, lưu lượng nước đầu nguồn đổ về… cơ bản không có gì thay đổi so với tháng 6 qua. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh thấp, trên cao áp cao cận nhiệt đới khống chế nên thời tiết ở Bến Tre sẽ có những cơn mưa.

Bài, ảnh: Việt Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN