Nữ biệt động Sài Gòn diệt xe tăng địch

29/04/2011 - 08:07
Nữ biệt động Sài Gòn Võ Thị Tâm (bên phải) với phụ nữ xã Phước Hiệp. Ảnh: TR.T

Cô Võ Thị Tâm (tên thường gọi là Hai Re) mất mẹ từ thuở nhỏ, đến năm 1960, khi vừa tròn 16 tuổi, cô phải chịu thêm một sự mất mát tưởng chừng không thể vượt qua là cha, chú và người em họ lần lượt hy sinh. Lòng căm thù giặc đã thôi thúc người con gái tuổi trăng tròn lên đường tham gia hoạt động cách mạng để trả thù cho cha, rửa hận cho đất nước.

Trong những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng, ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, với nhiệm vụ là giao liên chuyển mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến cấp ủy các huyện cù lao Minh kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho cấp trên hiệp đồng tác chiến, khởi nghĩa vũ trang, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào Đồng Khởi năm 1960.

Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau ba năm hoạt động, đến tháng 9-1963, cô được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bọn mật thám 3 lần theo dõi bắt được cô, nhưng do không có chứng cứ và cô không chịu tiết lộ bí mật nên chúng buộc phải trả tự do cho cô. Tổ chức biết địch đã phát hiện và nghi vấn nên quyết định đưa cô đi học ở R; sau đó cô được giữ lại làm hướng dẫn viên cho học viên Nam bộ, rồi chuyển về tỉnh An Giang tiếp tục công tác. Cuối tháng 10-1964, cô chuyển về công tác tại đơn vị T4 Biệt động Sài Gòn.

Sau hai tháng được huấn luyện nghiệp vụ, cô đã nắm vững cách đánh địch trong nội thành - đầu não của chiến trường miền Nam dưới chế độ Sài Gòn. Nhiệm vụ chính của cô là treo cờ giải phóng giữa lòng thành phố Sài Gòn, rải truyền đơn tố cáo tội ác của quân cướp nước, bán nước; xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng đầy vinh quang. Người con gái Bến Tre đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô đã xây dựng được 30 cơ sở cách mạng, in dán 20 truyền đơn tại nhà bọn sĩ quan ác ôn, ba lần trực tiếp treo cờ cách mạng; đồng thời tổ chức 3 cuộc đấu tranh với qui mô lớn tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm; tổ chức lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (vào ngày 15-10 năm 1965, 1966).

Nắm chắc quy luật, các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch, cô kịp thời báo cáo đơn vị lãnh đạo T4 tạo chỗ dựa vững chắc tấn công vào đầu não của địch trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Sau đó, cô được điều động về nhận nhiệm vụ trinh sát chiến đấu thuộc trung đoàn 31 phân khu 2. Nhiệm vụ này đòi hỏi người cán bộ trinh sát phải có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, đảm bảo chính xác, mưu trí, sáng tạo, nắm vững đội hình bố trí, thủ đoạn hoạt động của địch làm cơ sở để trung đoàn trinh sát tấn công vào các mục tiêu quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm hành chánh ngụy ở các quận: 5,6,10 và 11. Thời điểm này, cô được tăng cường cho Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 31, đánh thẳng vào mục tiêu Tiểu đoàn 33, 38 biệt động quân, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến, bắn cháy 2 xe jeep, 2 xe M113 và nhiều ổ đề kháng của địch, tiêu diệt gần 400 tên. Bản thân cô đã diệt 11 tên địch, thu 1 súng AR15; kịp thời cứu thương cho đồng đội, chuyển gởi cơ sở bí mật nhiều thương binh, đồng thời dũng cảm vượt qua tầm hỏa lực của địch để hủy máy thông tin và bản mã dịch không cho lọt vào tay địch. Trung đoàn 31 kết thúc đợt tấn công thứ 2 với gần 50 trận đánh lớn nhỏ, làm tiêu hao sinh lực địch.

Sau những ngày về căn cứ củng cố lực lượng Tiểu đoàn 6 cùng với Tiểu đoàn 308 của miền Tây tăng cường cho chiến dịch, cô nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị trinh sát đánh thọc sâu chiếm giữ địa bàn quận 5. Trong 37 ngày đêm ở địa bàn quận 5, đơn vị đã tiêu diệt trên 350 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng. Kết thúc đợt 3 cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trung đoàn 31 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đặc biệt, cô Võ Thị Tâm là nữ tiêu biểu đầu tiên của biệt động tiêu diệt xe tăng địch giữa lòng Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, cô giữ nhiều chức vụ, từ bí thư đảng ủy phường đến thẩm phán tòa án nhân dân.

Trải qua 30 năm hoạt động cách mạng, cô Võ Thị Tâm đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba, Huân chương Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Điều đáng trân trọng và tự hào là người con gái của ấp 2, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Tuấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN