BDK - Tháng 7-2020, Ban Quản lý dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh đã triển khai mô hình nuôi bò sữa tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú. Dự án đã mang lại nhiều thay đổi tích cực trong đời sống kinh tế của người dân địa phương. Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay mô hình đã khẳng định được hiệu quả với 9 hộ dân duy trì và phát triển tốt, đóng góp nguồn thu nhập ổn định cho các hộ tham gia.
Mô hình nuôi bò sữa tại hộ của anh Nguyễn Thanh Long, ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú.
Tổng kinh phí thực hiện dự án lên đến 1,5 tỷ đồng, trong đó các hộ dân đối ứng một phần nhỏ, phần lớn vốn được hỗ trợ dưới dạng cho mượn. Dự án cũng hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng chuồng trại, trang bị các thiết bị như máy băm cỏ, máy vắt sữa... Đến nay, toàn xã duy trì 9 hộ với tổng đàn bò hiện tại là 113 con, giảm so với con số 153 vào đầu năm 2023, trong đó có 30 con đang khai thác sữa, 25 con bò mang thai và 58 con bò tơ, bê con.
Bình quân mỗi ngày, tổ hợp tác nuôi bò sữa tại Mỹ Hưng khai thác từ 400 - 450kg sữa, đem lại nguồn thu nhập trung bình 6 triệu đồng/ngày. Sữa bò được bán trực tiếp cho trạm trung chuyển của Vinamilk tại huyện Ba Tri với giá 16 ngàn đồng/kg, đảm bảo đầu ra ổn định.
Anh Nguyễn Thanh Long, ngụ tại ấp Thạnh Mỹ, một trong những hộ tiên phong tham gia dự án chia sẻ rằng, những ngày đầu tham gia mô hình, anh gặp không ít khó khăn do chưa quen với kỹ thuật chăm sóc và khai thác sữa. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì học hỏi và hỗ trợ kỹ thuật từ dự án, đến nay đàn bò của anh đã phát triển với 12 con, trong đó có 7 con đang khai thác sữa, sản lượng đạt khoảng 65kg/ngày. Mỗi ngày, sau khi trừ chi phí, anh Long thu về lợi nhuận hơn 600 ngàn đồng, giúp cải thiện đáng kể thu nhập gia đình.
Theo anh Long, chăn nuôi bò sữa đòi hỏi sự tỉ mỉ trong việc chăm sóc. Bò cần được ăn uống đúng giờ, đảm bảo khẩu phần thức ăn phong phú, gồm cỏ, thức ăn khô và thức ăn hỗn hợp. Sau mỗi lần vắt sữa, bò cần bổ sung thức ăn ngay, theo tỷ lệ 10kg sữa cần 5kg thức ăn.
Tổ hợp tác Nuôi bò sữa xã Mỹ Hưng không chỉ là nơi các hộ dân liên kết sản xuất mà còn là môi trường trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ thuật cho các thành viên. Anh Cao Văn Mến, ngụ tại ấp Thạnh Hưng là một thành viên trong tổ hợp tác cho biết, việc tham gia tổ không chỉ giúp anh nâng cao kỹ năng chăn nuôi mà còn mở rộng giao lưu với các hộ dân khác. “Nhờ học hỏi từ những người đi trước, chất lượng đàn bò nhà tôi đã tăng đáng kể, sản lượng sữa ổn định hơn”, anh Mến chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hưng Nguyễn Thị Lanh nhận định: Mô hình nuôi bò sữa là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Xã sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình cho các hộ đủ điều kiện. Đồng thời, hội sẽ kiến nghị lãnh đạo huyện tăng cường hỗ trợ vốn, cải thiện khâu vận chuyển và nhân rộng mô hình tại các xã khác, góp phần lan tỏa hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò sữa.