 |
Ngoài thức ăn công nghiệp, các loại khác đều được trộn đều, xay và nấu chín. |
Với việc chịu khó cân đối khoảng 50% lượng thức ăn từ các loại rau hữu cơ sẵn có, được nấu chín và pha trộn với hợp chất của 3 vị thuốc Nam (mật nhân, cây cóc đắng, xuyên tâm liên), đàn heo của gia đình anh Đinh Thanh Tùng ở ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách lớn rất nhanh. Vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế được các bệnh, thịt nhiều nạc… Phương pháp nuôi heo vừa truyền thống, vừa dùng dược liệu do vợ chồng anh Tùng sáng kiến được người tiêu dùng luôn săn đón mua với giá cao.
Trong khi người nuôi heo “kêu trời” vì giá giảm sâu nhất
trong hơn 10 năm qua và đồng thời ồ ạt bán để vớt vát đồng vốn thì anh Tùng vẫn
xuất bán gần 100 con heo giống, với giá 1,3 triệu đồng/con (cao hơn thị trường
gần 400 ngàn đồng/con). “Heo của tôi chưa phá bầy là có người hỏi mua trước rồi.
Nay tuy giá heo hơi thấp nhưng tôi vẫn bán được bình thường. Riêng heo thịt,
giá không khi nào thấp như thị trường, bởi luôn có một lượng khách hàng nhất định
tin tưởng đàn heo “thảo dược” của tôi nên đặt mua với giá cao và cố định. Trong
dịp Tết Đinh Dậu 2017, tôi xuất chuồng gần 40 con heo thịt, với giá 35 ngàn đồng/kg”
- anh Tùng nói.
Trại heo của anh Tùng hiện có 10 con heo nái, đàn heo con
chuẩn bị cai sữa và khoảng 50 con heo thịt. Tuy lượng heo cũng khá nhiều như vậy
nhưng vào tận chuồng cũng chỉ thỉnh thoảng phảng phất mùi chất thải từ heo
không như các chuồng, trại nơi khác. Theo anh Tùng, nếu chuồng nào có mùi phân
thối thì khó có lãi cao dù giá có cao đi nữa. Anh lý giải: Heo không hấp thụ hết
thức ăn nên đi tiêu, tiểu mới có mùi hôi thối như vậy. Đó là mùi của lượng vitamin
D trong thức ăn còn tồn đọng lại. “Đương nhiên trại heo của tôi vẫn có trang bị
hầm biogas không để gây ô nhiễm môi trường. Chuồng nuôi thông thoáng một phần
vì đàn heo hấp thu gần như hết lượng thức ăn và khoảng từ 5 đến 5 tháng rưỡi là
vô tạ. Do heo hấp thụ thức ăn quá tốt nên lượng khí gas sinh ra trong hầm không
nhiều. Dù liên tục có đến hơn 100 con heo các loại trong chuồng nhưng vẫn thỉnh
thoảng thiếu nấu dùng trong gia đình” - anh Tùng nói.
Theo chia sẻ của anh Tùng, 3 vị thuốc gồm: mật nhân, cây
cóc đắng, xuyên tâm liên mà anh chọn sử dụng hiện nay đều có bán tại các cửa
hàng thú y. Mua về, anh xay trộn nhuyễn 3 loại đó vào cùng với lúa, bắp, rau, củ,
quả xung quanh nhà. “Chịu khó làm vậy sẽ giảm hơn 50% lượng thức ăn công nghiệp,
giá thành chỉ khoảng 28 - 29 ngàn đồng/kg heo hơi mà thôi. Quan trọng hơn, đàn
heo luôn khỏe, nạc nhiều… Nhờ quy trình này mà vợ chồng tôi sống khỏe và nuôi 2
đứa con đang tuổi ăn tuổi học đó chứ” - anh Tùng thật thà nói.
Về cơ duyên để có cách nuôi heo hiệu quả, anh Tùng cho
hay, do vợ anh từng có khoảng thời gian công tác trong lĩnh vực y dược nên tích
góp được kiến thức rồi tự thử nghiệm làm trong nhiều năm mới thành công. Anh
Tùng nói: “Cách nuôi này đã ổn định trong khoảng 5 năm nhưng tính hết khoảng thời
gian bắt đầu thử cách nuôi heo này thì phải kể thêm 7 năm thử nghiệm trước nữa.
Vợ chồng tôi thấy hay nên khi bán heo con luôn tận tình hướng dẫn cách làm
nhưng số khách hàng chịu khó áp dụng đến cùng vẫn chưa được nhiều. Bởi, việc
nuôi heo thảo dược (chủ yếu dựa vào tự nhiên) chưa đến hồi kết không thấy rõ hiệu
quả mà nhiều người nuôi lại quá nóng lòng…”.
Thông tin từ một vị lãnh đạo xã Long Thới, mô hình “nuôi
heo thảo dược” của hộ anh Đinh Thanh Tùng được hầu hết thương lái, người tiêu
dùng tại địa phương đánh giá cao. Thậm chí, có một số khách hàng tín nhiệm đến
“đặt hàng” sẵn tại một số lò mổ để chờ lấy thịt heo từ chuồng của anh Tùng. Tuy
nhiên, mô hình này chưa nhân rộng được, bởi phần lớn người chăn nuôi gặp khó
khăn khi sử dụng các loại thảo dược, cũng như chưa chịu khó tập hợp những rau,
củ, quả thừa tại địa phương để giảm lượng thức ăn công nghiệp.
“Chúng tôi luôn mua heo của anh Tùng với giá riêng. Bởi
heo của anh ấy nhiều nạc, khi xẻ thịt ra để rỏ nước rất ít... Hiện có một lượng
khá đông khách hàng của tôi chỉ chuộng heo của anh Tùng, giá cả thì không thành
vấn đề” - anh Sáu Chuộc, một thợ mổ heo tại xã Long Thới khẳng định.