Thu hoạch tôm ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Trung
Diện tích, sản lượng nuôi tăng nhẹ
Tổng diện tích nuôi thủy sản ước đến cuối năm 2023 đạt 47.814ha, đạt 100,03% so với kế hoạch (KH) và đạt 100,24% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 336.281 tấn, đạt 100,53% so với KH, tăng 6,57% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, có 678 cơ sở cấp giấy đăng ký nuôi đối tượng chủ lực, với tổng diện tích 1.935,861ha. Ngành hữu quan đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho các cơ sở áp dụng tiêu chuẩn ASC, BAP, GLOBAL GAP, MSC, với tổng diện tích 4.807,4ha. Trong đó, cơ sở vừa đạt ASC và BAP là 430,5ha; đạt ASC là 27,2ha; đạt BAP là 95ha; vừa đạt ASC, BAP và GlobalGAP là 54,7ha; MSC là 4.200ha.
Tổng diện tích thả giống tôm nước lợ năm 2023 ước đạt 36.314ha, đạt 100,04% so với KH. Đến cuối năm 2023, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã phát triển mới 543/500ha, đạt 108,6% so với KH, lũy kế đạt 3.110ha. Trong quý I năm 2023, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở mức ổn định, người nuôi có lãi từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Nuôi tôm quảng canh, tôm lúa phát triển chủ yếu ở huyện Thạnh Phú, với diện tích 5.030ha, năng suất loại hình nuôi đạt 500 - 1.000kg/ha. Nuôi tôm rừng tương đối thuận lợi, ít phát sinh dịch bệnh đốm trắng, năng suất đạt từ 0,2 - 0,3 tấn/ha. Sản xuất giống tôm nước lợ, nhất là tôm thẻ chân trắng ngày càng được nâng lên về chất lượng và quy mô sản xuất.
Ứớc tính cuối năm 2023, diện tích nuôi cá tra đạt 800ha, đạt 100% so với KH. Sản lượng cá tra đạt 195 ngàn tấn, đạt 95,12% so với KH. Mô hình nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa và mương vườn được người dân tập trung thả giống ước thả đạt 1.800ha. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.277 tấn, đạt 75,12% so với KH. Giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, người nuôi đa số đều có lãi khá và ổn định.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể ước đạt 5.150ha, đạt 100% so với KH, tập trung tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, con nghêu chiếm diện tích lớn nhất 4.220ha (diện tích có nghêu 1.993ha), còn lại sò huyết 900ha và hàu 30ha. Tổng sản lượng thu hoạch nhuyễn thể ước đạt 14.802 tấn, đạt 100,01% so với KH, tăng 3,37% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh, có 122 hộ ương dưỡng, sản xuất giống nghêu, sò. Một số đối tượng thủy đặc sản khác (cua biển, cá nâu, lăng, ếch, lươn…) có giá ổn định. Trong đó, nuôi cua theo hình thức nuôi xen trong ao nuôi tôm quảng canh, tôm lúa, tôm rừng được người dân áp dụng phổ biến trên địa bàn huyện Thạnh Phú, với sản lượng khoảng 1 ngàn tấn/năm. Thể tích thả nuôi cá lồng bè ước đạt 65 ngàn m3, đạt 116,07% so với KH.
Kiểm soát, quản lý tàu cá
Năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy ước đạt 232.820 tấn, đạt 110,87% so với KH, đạt 101,16% so với cùng kỳ. Đến nay, ngành chức năng đã thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi 2.001/2.149 giấy phép; cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá 1.840/2.042 thuộc diện kiểm tra, cấp chứng nhận, đạt 90,1%.
Các huyện đã duy trì 160 tổ hợp tác, 1.085 hộ, 2.065 tàu và 15.344 thuyền viên. Việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển mang lại hiệu quả khá tích cực. Tàu luân phiên khai thác, thăm dò ngư trường nên cải thiện được hiệu quả khai thác. Mặt khác, việc tổ chức thành tổ, đội tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và người dân. Đồng thời, thông qua tổ hợp tác giúp công tác truyền đạt thông tin quản lý đến ngư dân được dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Ngành đã phối hợp với địa phương kiện toàn được 15 tổ, đang tiếp tục tiến hành kiện toàn lại tổ đội khai thác xa bờ theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10-10-2019 về tổ hợp tác.
Từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 3 trường hợp nghi vấn tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài (đều vi phạm vùng biển Malaysia). Ngành hữu quan đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trao đổi, xác minh thông tin tàu cá BT-96534-TS vi phạm vùng biển Malaysia. Hiện cơ quan Công an tỉnh chủ trì lập hồ sơ vi phạm. Các cơ quan chức năng nhận thông tin 1 vụ/2 tàu cá bị Cảnh sát biển 4 bắt giữ và chuyển cơ quan Biên phòng tỉnh tham mưu xử lý, với số tiền hơn 1,343 tỷ đồng.
Tổng số tàu cá đăng ký 2.766 tàu, tổng công suất 941.997KW. Công suất bình quân 318KW/tàu; trong đó tàu xa bờ 2.034 tàu, 902.147KW, công suất bình quân 451KW. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 1.074 tàu cá, ước thực hiện cả năm 1.965/2.427 tàu thuộc diện đăng kiểm đạt 80,96%. Tính đến nay, có 2.001/2.034 (98,37%) tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị.
Tổ chuyên trách giám sát hành trình tàu cá đảm bảo công tác trực ban 24/7. Giám sát phát hiện 645/2.020 lượt tàu mất kết nối từ 2 ngày; 129 tàu bị mất tín hiệu kết nối trên biển trên 10 ngày, đã khắc phục 120 tàu, còn 9 tàu chưa khắc phục; tổ chức 14 cuộc kiểm tra tàu mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày, đã làm việc với 97 lượt chủ tàu/95 tàu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành hữu quan đã ban hành 13 quyết định xử phạt liên quan đến thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 342,5 triệu đồng (đã thi hành 12 quyết định). Lũy kế đến nay, đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt 446,75 triệu đồng. Trong đó, có 13 quyết định xử phạt/14 tàu cá vi phạm liên quan đến mất tín hiệu trên biển trên 10 ngày; tổng số tiền 342,5 triệu đồng; thi hành 20/21 quyết định, còn 1 quyết định chưa thi hành, đang nhắc nhở chủ tàu thi hành quyết định xử phạt. Hiện còn 35 tàu bị mất tín hiệu kết nối trên biển trên 10 ngày chưa xác minh, xử lý theo quy định. |
Trần Quốc