 |
Ảnh minh hoạ |
Ai đã một lần đến làng nghề sản xuất than thiêu kết ở ấp 3, Phong Nẫm và ấp 4, Lương Phú (huyện Giồng Trôm) chắc không khỏi băn khoăn vì sự ô nhiễm của khói bụi từ các lò đốt than thải ra.
Nghề sản xuất than thiêu kết ở các xã Phong Nẫm và Lương Phú có từ những năm 1985. Đây được coi là một trong những ngành nghề mới nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân trở nên giàu có. Hiện nay, sản phẩm than thiêu kết là một trong những sản phẩm công nghiệp có thế mạnh trong xuất khẩu, hàng năm, sản lượng than xuất khẩu từ 3.000 tấn đến 4.000 tấn, đem lại doanh thu nhiều tỷ đồng. Nhờ có ngành nghề này mà người dân ở ấp 3 – Phong Nẫm, ấp 4 – Lương Phú và những khu vực lân cận có việc làm, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Quới, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết: Ngay từ năm 2000, huyện đã tiến hành quy hoạch xây dựng làng nghề thành vùng sản xuất riêng biệt, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng thiệt hại do khói bụi gây ra. Lý do các cơ sở vẫn còn ở bên ngoài là vì đang trong giai đoạn kêu gọi nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian này, huyện đã sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư các công nghệ thiết bị xử lý khói bụi ô nhiễm, nhằm đem lại môi trường trong sạch cho người dân”.
Liên tiếp trong 2 năm qua (2005-2006), lãnh đạo UBND huyện Giồng Trôm đã tranh thủ sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre đầu tư một số công nghệ thiết bị xử lý khói bụi, triển khai thực hiện thí điểm ở 2 cơ sở là xã Lương Hòa và Lương Phú. Mô hình xử lý bằng phương pháp đưa ống lò lên cao gấp hai lần, không cho khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt đời sống người dân. Hiệu quả có giảm thiểu được khói bụi, nhưng kinh phí đầu tư lớn, không thể phổ biến nhân rộng. Song, sự phát triển của ngành nghề cũng như những vấn đề đời sống kinh tế người dân nên các lò đốt than vẫn tiếp tục hoạt động. Những nghịch lý tiếp tục diễn ra, và các cấp chính quyền lại đón nhận những lá thư của người dân trong làng nghề kêu cứu.