 |
Khói bụi làm ô nhiễm môi trường gây hại sức khỏe. |
Mật độ phát triển của các nhà máy, xí nghiệp và sự nở rộ của các loại phương tiện giao thông… đang ngày một ảnh hưởng đến môi trường không khí và tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tật gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người.
Bệnh từ không khí vào... người
Ông Nguyễn Hồng Hải - nhân viên Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, theo nhiều nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới, không khí ô nhiễm, bụi bẩn ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như: tai, mũi, họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, viêm xoang, viêm phế quản, nặng hơn gây tình trạng dị ứng, hen suyễn. Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như xuất huyết não, suy thận, xuất huyết võng mạc… Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới.
Mặc dù ngành y tế của tỉnh chưa thống kê số người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, điều dễ thấy là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch đang rất phổ biến ở mọi lứa tuổi.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Thành ở ấp Bình Long, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm là một ví dụ. Ông thường xuyên phải ngửi mùi tanh hôi từ trang trại nuôi vịt gần nhà. Ông rất khó chịu, ngột ngạt khi ngửi thấy mùi hôi. Tâm trạng không thoải mái, bệnh huyết áp từ đó cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Giống hoàn cảnh trên, ông Đặng Văn Ba ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm cho biết: “Sống gần bãi rác nhiều năm phải ngửi mùi hôi thối nên giờ thường xuyên chảy nước mũi. Mới đây đi khám, bác sĩ chẩn đoán viêm mũi”.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm, ô nhiễm không khí còn gây ra các biến đổi có hại ở não. Việc hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc có khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh béo phì; tình trạng này đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do ô nhiễm không khí.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, các chất độc trong không khí vào cơ thể chính là tác nhân gây ung thư phổi, vòm họng, mũi. Đồng thời, chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Từ đó, gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ và đang âm thầm tác động xấu đến sự sống của con người. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm cần một giải pháp đồng bộ của ngành chức năng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hải, mỗi người có thể góp phần hạn chế các tác hại từ không khí ô nhiễm bằng việc làm đơn giản như đeo khẩu trang, mang kính khi ra ngoài; sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, mũi sau khi đi ra ngoài, thay quần áo và tắm gội ngay khi về nhà.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, nếu người dân có điều kiện, nên tận dụng không gian quanh nhà để trồng thêm cây xanh. Vì trồng cây xanh ở nơi có mật độ dân cư đông sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bởi nó hấp thu khí độc như: NO2, CO2, CO, góp phần hạn chế nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí.