Nếu có điều gì gọi là bất ngờ, thì đó là việc ông Fillon tiếp tục thắng với cách biệt rất lớn trước đối thủ là ông Alain Juppé. Kết quả kiểm phiếu tại hơn 10.000 điểm bầu cử cho thấy ông Fillon giành được trên 67% số phiếu so với trên 32% của ông Alain Juppé.
|
Ông Francois Fillon đang nổi lên trở thành ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống Pháp. Ảnh: AFP |
Dù không có nhiều người nghi ngờ chiến thắng của ông Fillon sau cuộc bầu cử vòng 1 cách đây 1 tuần nhưng cách biệt lớn này vẫn là một bất ngờ nhỏ. Ở vòng 1, ông Francois Fillon được 44,1% cử tri Pháp lựa chọn, trong khi ông Alain Juppé được trên 28%.
Các phân tích trong tuần dự đoán ông Alain Juppé có rất ít khả năng thu hẹp khoảng cách nhưng cũng không dám mạnh dạn nói trước về một thắng lợi áp đảo cho ông Fillon.
Với kết quả này, ông Francois Fillon chính thức trở thành ứng viên của các đảng cánh hữu và trung dung tham dự cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017.
Và trong tương quan so sánh lực lượng giữa các đảng phái chính trị hiện nay trên chính trường Pháp, Francois Fillon trở thành ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống.
Đối với cánh hữu Pháp, cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức lần đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Tính cả 2 vòng bầu cử ngày 20/11 và 27/11 đã có gần 9 triệu cử tri Pháp thuộc mọi xu hướng chính trị đi bầu.
Lượng cử tri đi bầu ở vòng 2 thậm chí còn cao hơn vòng 1, ở mức 4,2-4,5 triệu cử tri. Con số ấn tượng này là rất quan trọng đối với cánh hữu bởi sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012, nội bộ cánh hữu mâu thuẫn nghiêm trọng và đã có thời điểm đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Việc huy động được gần 9 triệu cử tri đi bầu trong 2 vòng bầu cử nội bộ cho thấy các đảng cánh hữu, mà hạt nhân là đảng Những người Cộng hoà (LR) vẫn có khả năng thu hút dân chúng Pháp và chắc chắn sẽ tạo được sức nặng chính trị quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong 5 tháng nữa.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc cũng là lúc cánh hữu Pháp phải bắt tay vào xử lý một thách thức lớn hơn: hàn gắn nội bộ và đoàn kết toàn bộ cử tri cánh hữu xung quanh ứng viên của đảng là Francois Fillon.
Cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua được xem như là một cuộc “nội chiến” của cánh hữu bởi các ứng viên đã công kích nhau rất kịch liệt trong các buổi tranh luận và sự chia rẽ về quan điểm, đường lối chính trị giữa các ứng viên là rất rõ nét.
Nhiệm vụ của ông Francois Fillon, vì thế, là phải lôi kéo được những cử tri đã từng ủng hộ ông Alain Juppé và ông Nicolas Sarkozy đứng vào hàng ngũ của mình. Đây không phải là việc đơn giản nếu xét đến cương lĩnh tranh cử bị đánh giá là cực kỳ bảo thủ, tự do và “tàn bạo” của Francois Fillon, nhất là ở các luận điểm về chính sách kinh tế (cho nghỉ việc 500.000 công chức).
Tuy nhiên, Francois Fillon cũng có lợi thế đó là chiến thắng áp đảo tại cả 2 vòng bầu cử sơ bộ mang lại tính chính danh và uy tín cực lớn cho ông và đứng trước cơ hội lớn giành lại quyền lực từ cánh tả, các cử tri cánh hữu được cho là sẽ sớm đoàn kết ủng hộ ông.
Đối với cánh tả cầm quyền, thách thức trước mắt giờ đây không nằm ở Francois Fillon hay một đối thủ nào khác mà là ở việc lựa chọn ứng viên, hay chính xác hơn là ở việc quyết định ai sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ cánh tả được tổ chức vào tháng 1 tới.
Khác với cánh hữu, đây là câu chuyện đau đầu của cánh tả bởi theo lý thuyết, đương kim Tổng thống Francois Hollande phải được coi là ứng viên tự nhiên ra tái tranh cử nhưng do uy tín của ông Hollande hiện đang rất thấp nên cánh tả buộc phải tính đến phương án đưa các ứng viên khác ra tranh cử.
Mọi ánh mắt hiện đang dồn về phía đương kim Thủ tướng Manuel Valls. Trong bài phỏng vấn trên một tờ báo Pháp ngày 27-11, ông Valls đã lần đầu tiên hé mở khả năng tham gia bầu cử sơ bộ cánh tả, dù trước đó luôn kín tiếng về việc này.
Thực tế, đây là điều không bất ngờ bởi chính giới Pháp đều tin rằng ông Manuel Valls đã âm thầm chuẩn bị ra tranh cử từ nhiều tháng qua nhưng đang lựa chọn thời điểm bởi muốn tránh tối đa các công kích là phản bội lại Tổng thống Francois Hollande.
Vấn đề lớn thứ hai đối với cánh tả Pháp, đó là kêu gọi được sự tham dự vào vòng bầu cử sơ bộ của các ứng viên “tự do” khác như Jean Luc Melenchon hay đặc biệt là Emmanuel Macron, người tự cho mình là “không đảng phái” và luôn phản đối bầu cử sơ bộ.
Nếu việc kêu gọi này thất bại, cánh tả sẽ đứng trước nguy cơ bị chia thành nhiều phe phái và khi đó cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, vốn đã rất ít, lại càng ít hơn.
Tuy nhiên, trước mắt thì điều mà các cử tri cánh tả Pháp chờ đợi nhất là các tuyên bố rõ ràng về ý định tranh cử của Tổng thống Francois Holllande và Thủ tướng Manuel Valls, được cho là sẽ sớm xuất hiện ngay đầu tuần này./.