Tôi nghe tên ông từ cuối
thập niên 60 của thế kỷ trước - lúc ông là thành viên lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh
ủy, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, mãi đến
tháng 10-1974, tôi mới có dịp gặp ông tận mặt. Lúc đó, ông là cán bộ Tuyên huấn
của Khu 8, vừa rời khỏi “phận sự” trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên (trại
David), liền nhập thân vào phong trào và đến công tác tại vùng địch “bình định”
trọng điểm Ba Tri.
Ông đến trong thời điểm
Ba Tri đang “tức nước vỡ bờ”, phong trào “diệt ác phá kềm” chuyển lên đều khắp.
Tính từ ngày 28-1-1973 đến cuối tháng 9-1974, bọn “bình định” ở Ba Tri đã vi phạm
Hiệp định Paris, bị đồng bào nổi dậy cùng với lực lượng vũ trang cách mạng trừng
trị 145 cuộc, diệt 465 tên, bắt sống 55 tên, thu 144 súng các loại. 876 binh sĩ
ngụy bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân.
Thời ấy, cơ quan Thường
trực của Ban Tuyên huấn Ba Tri trụ ở khu vực rừng Rạch Vọp, cạnh đám lá ông Hai
Khòm. Trưởng Ban Tuyên huấn huyện là ông Tào Thế Xương (Hai Tạo). Tháng
10-1974, Thường vụ Tỉnh ủy điều động ông về Ban Tuyên huấn tỉnh, nên ông Lê Sắc
Tân (Tư Thạnh) - Bí thư Huyện ủy phụ trách trực tiếp công tác Tuyên huấn huyện.
Về Ba Tri, sau khi làm
việc với Bí thư Huyện ủy, ông Lê Chí Nhân đến nắm tình hình và nghỉ ngơi với
anh em Ban Tuyên huấn huyện. Dịp này, tôi có duyên may được tiếp chuyện với ông.
Thời điểm ấy, tôi là Chi ủy viên Chi bộ Tuyên huấn, được phân công làm Trưởng
Tiểu ban Thông tấn - Báo chí, tổ chức biên soạn tờ Tin tức của huyện.
Diện kiến với ông, tôi có
cảm nhận dường như lúc nào trong đầu ông cũng “sắp lớp” hằng hà sa số câu hỏi.
Như một ông thầy đang kiểm tra trình độ của học trò, ông gợi ý và hỏi tôi liên
tục về phong trào đấu tranh chống “bình định” của Đảng bộ và nhân dân Ba Tri từ
trước đến nay, đặc biệt là từ ngày có Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973).
Do có tích lũy tư liệu về sự kiện, nhân vật cụ thể, tôi báo cáo mạch lạc, ông
chăm chú lắng nghe và ghi nhận.
Không chỉ hỏi, lúc thư
thả, ông còn kể tôi nghe những kỷ niệm trên bước đường công tác. Qua những câu
chuyện sinh động ấy, nhất là trong thời gian ông tham gia Ban Liên hợp quân sự
4 bên, có điều kiện “cọ xát” với đối phương, “ăn miếng trả miếng” bằng những lý
lẽ đanh thép… Đối với tôi, đó là những bài giảng cực kỳ quý báu, vô cùng hấp dẫn.
Gần ông, tôi tự thấy mình có diễm phúc như lạc vào một lâu đài tri thức nghiệp
vụ, học ở ông vài giờ hơn cả mấy năm cộng lại!
Đêm về, ông cặm cụi bên
chiếc đèn dầu nho nhỏ đặt trong mùng. Cứ thế, ông viết. Sáng sớm hôm sau, ông đưa
cho tôi một xấp giấy dầy cộm, bảo “chú Tám mầy đọc xem!”. Thì ra, ông đã viết
xong một bài phóng sự dài có nhan đề “Quê hương Đồ Chiểu chuyển mình”. Quả là một
nhà báo lão luyện!
Ông Lê Chí Nhân tại buổi giao lưu nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí
Cách mạng Việt Nam. Ảnh: H. Vũ
Những gì tôi cung cấp,
qua lăng kính của ông bỗng trở thành những con chữ lung linh, thành những định
hướng rõ ràng, bằng những lập luận xác đáng, chặt chẽ, súc tích, sinh động, có
tính thuyết phục cao. Cho đến bây giờ, đọc lại những trang viết của ông - mà tôi
có dịp ghi lại trong sổ ký chú - mới thấy tài năng, độ dày kinh nghiệm, tính chiến
đấu và sự uyên bác của ông trong nghề báo, ít người sánh kịp!
Quý I-1978, ông đảm nhiệm
cương vị mới: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ty Giáo dục. Còn
tôi là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Tri, đang nhờ vài giáo viên cấp
III kèm dạy chương trình phổ thông để hy vọng được đăng ký dự thi tốt nghiệp cấp
III.
Do chưa có tiền lệ nên các
anh Phó Trưởng Ty Giáo dục và Thường trực Hội đồng thi không chấp nhận đơn xin
dự thi của tôi. Bí quá, tôi lại tìm đến ông. Đúng vào lúc đang dự họp Tỉnh ủy,
nhưng ông vẫn vui vẻ ra ngoài phòng họp để nghe tôi trình bày. Nghe xong, ông vỗ
vai tôi: “Học như vậy là quá tốt!”. Rồi như không cần nghĩ ngợi nhiều, ông đặt
bút phê vào đơn, đề nghị Hội đồng thi tốt nghiệp trường phổ thông, ban A - B chấp
nhận đơn xin dự thi của thí sinh Nguyễn Quang Trị.
Nhìn phong cách và thái độ
quyết đoán của ông, tôi cảm phục và xúc động!
Khi tôi về công tác ở tỉnh,
có nhiều dịp gặp ông, nói chuyện với ông, mời ông nói chuyện hoặc viết bài, được
đọc nhiều công trình sưu khảo và nhiều bài viết của ông, tôi nhận ra: Lê Chí Nhân
là một nhà văn hóa lớn, một nhà báo cách mạng tầm cỡ, nhà hùng biện thuyết phục.
Ông rất xứng đáng được tôn vinh như một trong những “cây đa - cây đề” của ngành
Tư tưởng - Văn hóa - Giáo dục tỉnh nhà.
Trong khuôn khổ của một
bài viết, tôi không thể dài dòng, nhưng không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều
người, khi còn đương chức hay lúc về với đời thường, ở vai trò cha, chú, ông luôn
sống chân thành, nhân hậu, tình - lý phân minh, nghĩa - tình trọn vẹn… như chính
tên gọi: “Chí Nhân”. Vì thế, Lê Chí Nhân đã hóa thân thành hình ảnh đẹp trong tâm
thức của nhiều người và được bạn bè, con cháu cùng lớp người kế tục quý trọng.
Nhân dịp Xuân về, nhắc lại
vài chuyện nhỏ, như món quà kỷ niệm thâm tình, tôi kính gửi đến ông. Mong ông
luôn sống khỏe, sống vui, mãi mãi là tấm gương, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều
thế hệ trên quê hương Đồng Khởi mến yêu này