 |
Bà Bhutto trước khi bị quản thúc. |
Ngày 13-11, chính phủ của Tổng thống Pervez Musharraf đã quản thúc lãnh tụ phe đối lập, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Đây là lần quản thúc thứ 2 trong vòng 4 ngày qua nhằm ngăn cản bà Bhutto tiến hành cuộc tuần hành lớn vào ngày 13-11 để phản đối lệnh tình trạng khẩn cấp do Tổng thống Musharraf áp đặt. Bà Bhutto bị quản thúc trong 7 ngày ở nhà riêng một nghị sĩ thuộc Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà.
Sau khi bị quản thúc, phát biểu với một số hãng tin nước ngoài qua điện thoại từ Lahore, bà Bhutto tuyên bố bác bỏ việc bàn thảo chia sẻ quyền lực với Musharraf trong tình hình hiện nay. Bà Bhutto kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng ủng hộ ông Musharraf, yêu cầu ông này phải rời khỏi cương vị tổng thống và tổng tư lệnh quân đội Pakistan.
Trước đó, Khối thịnh vượng chung đã yêu cầu Pakistan khôi phục hiến pháp và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong vòng 10 ngày, nếu không Pakistan phải đối mặt với việc bị đình chỉ tư cách thành viên trong khối này.
Cùng ngày, các nước đồng minh tiếp tục gây áp lực với nhà lãnh đạo Pakistan. Ngoại trưởng Nhật Bản Masahiko Komura có thể ngừng viện trợ Pakistan để giúp nước này chống khủng bố. Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Mỹ George W.Bush mong muốn rằng tình trạng khẩn cấp tại Pakistan trước tiên phải được dỡ bỏ.
Chiều 13-11, cảnh sát Pakistan đã bắn đạn hơi cay và dùng dùi cui giải tán khoảng 1.000 nhà hoạt động xã hội của Đảng Jamat-e-Islami theo đường lối cứng rắn và Đảng Dân tộc chủ nghĩa Pashtun biểu tình tại TP Preshawar, miền Tây Bắc, phản đối việc áp đặt tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, những người biểu tình ở Karachi đã bắn vào hai đồn cảnh sát trong các cuộc biểu tình của các nhà hoạt động xã hội đối lập.
Trong khi Pakistan đang chìm đắm trong khủng hoảng chính trị, báo chí Mỹ tiết lộ Nhà Trắng đã lên kế hoạch đối phó để phòng trường hợp chính quyền quân sự Pakistan không kiểm soát được và để kho vũ khí hạt nhân rơi vào tay những thế lực nguy hiểm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này đủ khả năng “đáp trả” để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân, và hiện không hề có nguy cơ các loại vũ khí này sẽ bị đánh cắp.