Phấn khởi nghề đan ghế nhựa

21/12/2012 - 07:47
Cơ sở đan ghế nhựa của anh Trần Văn Hùng.

Cơ sở đan ghế bằng dây nhựa của vợ chồng anh Trần Văn Hùng và chị Thái Thị Bé Hai ở ấp Xóm Mới - xã Mỹ Hòa (Ba Tri) hoạt động có hiệu quả trong giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận.

Cơ sở đan ghế là một căn nhà vỏn vẹn 30m2. Trong nhà ngổn ngang khung sắt, dây nhựa và nhiều cái ghế xinh xắn, được đan kết kỹ lưỡng mà bà con vừa mang đến giao. Vợ chồng anh Hùng bắt đầu quan tâm đến nghề này từ cuối năm 2006 trong dịp đi buôn bán ở Long An. Chị Bé Hai vui vẻ tâm sự: “Sau trận bão cuối năm 2006, vợ chồng tôi muốn đổi nghề, buôn bán gian nan quá. Thấy nghề đan nhẹ nhàng nên học định làm thử, ai ngờ bén duyên tới nay”. Chị cho biết: “Một năm đầu, tôi phải lên Công ty học. Dần dần quen, thấy làm được nên tôi nhận hàng về làm tại nhà và phát triển cơ sở đến nay”. 

Căn nhà của vợ chồng anh Hùng nhộn nhịp hẳn lên với số lượng ngày càng đông người đến học. Đến nay, cơ sở có khoảng 50 người nhận hàng làm thường xuyên và khoảng 30 người làm theo thời vụ. Nghệ nhân không chỉ ở xã Mỹ Hòa mà có người ở xã Mỹ Nhơn.

Vợ chồng anh Hùng tập làm quen với những cọng lục bình đã ép, được sấy khô để làm ra nhiều cái sọt, cái mê, cái mành và các mặt hàng có giá trị khác theo đơn hàng. Chị Bé Hai kể: “Lúc đầu, nhiều người đến nhận hàng làm, chúng tôi phải hướng dẫn từng người một. Đối với người có khiếu, chúng tôi chỉ một lần là biết, có người phải chỉ đi chỉ lại vài lần mới quen. Bỏ công ra dạy chớ đâu có lấy tiền bạc gì của bà con”. Hiện cơ sở của vợ chồng anh Hùng lúc nào cũng có người đến nhận hàng về nhà làm và ngồi làm tại cơ sở. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh Hùng thu về khoảng 4 - 5 triệu đồng. Ý nghĩa lớn nhất của cơ sở này là đã giúp không ít bà con có việc làm thêm, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Chị Trần Thị Lan, ở ấp Xóm Mới- xã Mỹ Hòa đan gia công tại cơ sở của anh Hùng không giấu sự phấn khởi, tâm sự: “Gia đình còn khó khăn, khi anh Hùng mở cơ sở, tôi làm có thu nhập, đời sống gia đình tôi thoải mái hơn. Tôi đến cơ sở anh Hùng làm từ 7 giờ đến 17 giờ, hàng tháng thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, giúp kinh tế ổn định, có điều kiện cho con ăn học”.

Ông Đặng Văn Thọ thuộc diện hộ nghèo ở ấp Xóm Mới chia sẻ: “Tôi vừa làm đồng vừa đan lúc rảnh, mỗi ngày có năm, sáu chục ngàn đồng đỡ lắm! Lớn tuổi rồi, làm nghề đan này khỏi dang nắng, dầm mưa như đi làm cỏ, cắt lúa. Tôi với thằng con đan lúc rảnh, mỗi ngày được 60 - 80 ngàn đồng”.

Chị Bé Hai cho biết, cơ sở của anh chị đã liên kết được với Công ty Lê Trần, ở TP. Hồ Chí Minh, Công ty Tam Thành Phát và Công ty Ngân Hà, ở Long An. Do đó, đơn đặt hàng rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi giúp lao động ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.

“Địa phương chúng tôi đang tranh thủ nguồn vốn đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ cơ sở anh Hùng mở rộng qui mô sản xuất, thu hút thêm lao động. Đây là điều kiện để địa phương giảm hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động, góp phần cùng xã đạt tiêu chí thứ 12 và một số tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới”.

(Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng ấp Xóm Mới)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích