Pháp tái khẳng định quan điểm phản đối thỏa thuận EU-MERCOSUR

18/09/2020 - 21:26

Chính phủ Pháp cho biết dự thảo thỏa thuận thương mại tự do EU-MERCOSUR hiện nay không có điều khoản quy định xử phạt đối với các hành vi chặt, phá rừng ở các nước MERCOSUR.

MERCOSUR gồm 4 nước thành viên Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, trong đó Brazil và Argentina là hai nền kinh tế lớn nhất. (Nguồn: kitinternational.net)

MERCOSUR gồm 4 nước thành viên Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, trong đó Brazil và Argentina là hai nền kinh tế lớn nhất. (Nguồn: kitinternational.net)

Ngày 18-9-2020, Chính phủ Pháp khẳng định nước này vẫn duy trì quan điểm phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) do quan ngại về nạn chặt, phá rừng ở khu vực.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Pháp cho biết dự thảo thỏa thuận thương mại tự do EU-MERCOSUR hiện nay không có điều khoản quy định xử phạt đối với các hành vi chặt, phá rừng ở các quốc gia MERCOSUR.

Tuyên bố nhấn mạnh đây là "lỗ hổng" của thỏa thuận và cũng là nguyên do chính khiến Pháp phản đối dự thảo thỏa thuận này.

Dự kiến, Pháp sẽ nêu 3 điều kiện để các cuộc đàm phán về thỏa thuận tiếp tục được tiến hành, trong đó có tuân thủ các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận được báo cáo trong đó chỉ trích thỏa thuận thương mại EU-MERCOSUR, cho rằng EU đã "bỏ lỡ cơ hội sử dụng sức mạnh đàm phán" để đạt được các đảm bảo về vấn đề môi trường.

Báo cáo dài 184 trang đề cập chi tiết đến nạn chặt, phá rừng ở Amazon và tình trạng tăng sản lượng thịt bò ở khu vực Nam Mỹ.

MERCOSUR gồm 4 nước thành viên Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, trong đó Brazil và Argentina là hai nền kinh tế lớn nhất.

Ngày 28-6-2019, EU và MERCOSUR đã ký hiệp định thương mại tự do sau 20 năm đàm phán.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, hiệp định này còn cần phải được Quốc hội tất cả 27 nước thành viên EU và Nghị viên châu Âu (EP) thông qua. Pháp hiện là nước duy nhất phản đối thỏa thuận này.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN