Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

29/11/2023 - 08:10

BDK - Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Điểm đáng lưu ý của Quy hoạch tỉnh là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bao gồm việc tổ chức hợp lý, hiệu quả không gian phát triển mới khu vực ven biển là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch để xây dựng phía Đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động, khu vực động lực phát triển mới của tỉnh. Dự kiến ngày 5-12-2023, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong khu vực. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết:

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát khu vực đang thi công Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại). Ảnh: Ảnh: Trung Trí

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát khu vực đang thi công Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại). Ảnh: Trương Hùng

- Đến năm 2030, Bến Tre phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%...

Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Các đột phá phát triển của tỉnh bao gồm: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.

* Hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường, tỉnh đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?

- Để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện phát triển bền vững đến năm 2030, huy động sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện. Bên cạnh đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được tỉnh lồng ghép trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt, tiếp thu và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động về nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức triển khai, quán triệt nghị quyết trong cán bộ, đảng viên, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.

Điện gió Ba Tri. Ảnh: Cẩm Trúc

Điện gió Ba Tri. Ảnh: Cẩm Trúc

Điểm nổi bật là nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng xanh, giảm phát thải với các dự án năng lượng gió khu vực biển, canh tác nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp các vùng sinh thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Bến Tre xanh và hiện đang xây dựng nhiều mô hình xanh để triển khai tổ chức thực hiện.

Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Ngoài ra, tỉnh quan tâm phát triển các nguồn năng lượng mới với 19 dự án điện gió được phê duyệt; hiện tại có 9/19 dự án đã hoàn thành với công suất 366,5MW, trong đó, 5 nhà máy đã đóng điện vận hành thương mại là 123,05/366,5MW, còn lại 243,45MW đã và đang hoàn chỉnh công tác lắp đặt thí nghiệm và đang thực hiện các thủ tục đàm phán giá bán điện mới để hòa lưới; 10/19 dự án đã triển khai thủ tục pháp lý.

Song song đó, tỉnh cũng đã tập trung chuyển đổi và phát triển nông nghiệp toàn diện, sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu.

* Đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?

- Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế và xác định DN là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo”, trong thời gian qua, cùng với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư đến tỉnh hoạt động, sản xuất và kinh doanh. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tỉnh đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm tốt trong nhiều năm liền. Riêng năm 2022, PCI Bến Tre ở vị trí 13/63 tỉnh, thành phố.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Bến Tre là tỉnh đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN. Qua nửa nhiệm kỳ đã có 1.474 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 19.228 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 6.187 DN với tổng số vốn đăng ký 68.446 tỷ đồng.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu đầu tư. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền tỉnh Ehime - Nhật Bản, với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và đặc biệt là 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước. Tỉnh hiện có 332 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 66 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.634,28 triệu USD và 266 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 61.517 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ, đồng hành cùng DN thông qua các chương trình đối thoại tháo gỡ khó khăn, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, du lịch giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ, Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản với chủ đề “Bến Tre - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”.

* Đối với các DN, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, ông có chia sẻ gì?

- Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những quyết sách đúng đắn, chiến lược hợp lý, Bến Tre đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả đối với DN. Tỉnh cam kết luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư để các DN, nhà đầu tư đến tỉnh tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

* Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN