Phát huy tốt vốn ủy thác địa phương

13/09/2024 - 05:30

BDK - Tính đến tháng 9-2024, nguồn vốn ủy thác địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đạt 290,17 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn. Việc ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách cho hộ khó khăn tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri.

Tăng nguồn vốn ủy thác

Vốn ủy thác địa phương là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến tháng 9-2024, ghi nhận của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, nguồn vốn ủy thác địa phương sang Ngân hàng CSXH đạt 290,17 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn, tăng 105,29 tỷ đồng so với đầu năm.

Thông tin từ Sở Tài chính, từ năm 2019 - 2024, Sở Tài chính đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định. Cụ thể, năm 2022, ngân sách cấp tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH là 20 tỷ đồng từ nguồn vốn chi thường xuyên, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2021. Năm 2023, ngân sách cấp tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH là 50 tỷ đồng từ nguồn vốn chi thường xuyên, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2022. Năm 2024, ngân sách cấp tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH là 60 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2023.

Từ năm 2024 trở đi và các năm tiếp theo, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy trình, thủ tục bố trí vốn ngân sách cấp tỉnh ủy thác sang Ngân hàng CSXH theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hiện hành. Tuy nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH thời gian qua luôn được quan tâm, ưu tiên bố trí vốn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương; nguồn vốn ủy thác địa phương vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Góp phần giảm nghèo

Tính đến tháng 7-2024, tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh 4.239 tỷ đồng, tăng 2.649 tỷ đồng so với năm 2014. Thông qua tín dụng CSXH đã giúp 45.497 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm mới cho 52.550 lượt lao động, 1.769 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp 11.041 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 958 căn nhà; hỗ trợ xây mới và cải tạo 135 căn nhà ở xã hội; xây dựng 273.706 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 20.012 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay 565 thương nhân vùng khó khăn; cho vay 38 người sử dụng lao động để trả lương cho 5.468 người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay 683 học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay 17 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Nhìn chung, chất lượng tín dụng luôn được củng cố và nâng cao, phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn vốn; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98,17%; tỷ lệ nợ quá hạn là 0,15%.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho biết: Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 8,59% (22.707 hộ nghèo) năm 2014 còn 2,63% (10.600 hộ nghèo) vào cuối năm 2023; giúp cho người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19; góp phần xây dựng 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 102 xã đạt chuẩn NTM, 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Kết quả đạt được trong 10 năm qua, đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần đẩy lùi và ngăn chặn những tác động tiêu cực của “tín dụng đen”, đồng thời, tín dụng CSXH còn mang lại niềm tin cho xã hội, để cho những người yếu thế không bị tổn thương và không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngày 29-8-2024, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục nhận ủy thác vốn đầu tư công 25 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Trước đó, vào đầu năm 2024, UBND tỉnh đã thực hiện ủy thác nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh 60 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp phân bổ 25 tỷ đồng vừa mới nhận ủy thác để các xã, phường, thị trấn phối hợp triển khai giải ngân vốn kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN