Phát triển chính quyền số đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

05/07/2021 - 06:41

BDK - Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Trong khi đó, chính phủ số (CPS) là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Xây dựng CPS là quá trình chuyển đổi số (CĐS) của Chính phủ.

Giao diện Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: T. Đồng

Giao diện Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: T. Đồng

Người dân đóng vai trò quan trọng

Một trong những thước đo của chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công (DVHCC) trực tuyến. Còn một trong những thước đo chính của CPS là số lượng DVHCC giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ công nghệ số và dữ liệu.

CPS là cấp độ tiếp theo của chính phủ điện tử. Ở đó, mọi thứ được số hóa. Các nền tảng cho phép làm việc thông minh và hiệu quả hơn. Bộ máy trở nên minh bạch. Các quyết định được hỗ trợ định lượng. Nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp.

Đặc biệt, CPS được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thì được gọi là chính quyền số. Tuy cùng bản chất nhưng chính quyền số liên quan đến các nhiệm vụ địa phương và trực tiếp với người dân. Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CPS, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thì khung nội dung kế hoạch phát triển chính quyền số cấp tỉnh, gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực.

Theo Đề án CĐS của tỉnh, một trong các nội dung tập trung phát triển chính quyền số là chú trọng vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, DN có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Đảm bảo 100% các ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Tạo lập dữ liệu thống kê phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, tổng hợp số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện chính quyền số phải gắn liền với việc nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy định tốt hơn; ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp để phục vụ người dân, DN tốt hơn và nhanh hơn. Ứng dụng khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn tỉnh.

Tại mỗi đơn vị phải xây dựng, hoàn thiện phần mềm ứng dụng thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp DVCTT; đảm bảo liên kết, chia sẻ, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh.

Người dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển CPS, chính quyền số. Kết quả cuối cùng và quan trọng nhất của CPS, chính quyền số là cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và DN. Đề án CĐS của tỉnh xác định, trong phục vụ người dân và DN thì phải tích hợp các dịch vụ sao cho người dân và DN chỉ cần cung cấp thông tin 1 lần, dùng 1 tài khoản đăng nhập để sử dụng cho tất cả các ứng dụng, DVCTT của tỉnh. Đồng thời, có các giải pháp để nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân bằng các ứng dụng, phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân, DN tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, có hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.

Một số kết quả

Về việc triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, trong triển khai cung cấp DVCTT, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc công bố, công khai TTHC. Kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đúng theo các quy định hiện hành. 100% các TTHC đều được cung cấp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.bentre.gov.vn). Các cổng thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cổng DVCTT của tỉnh (https://dichvucong.bentre.gov.vn).

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục DVCTT mức độ 3, 4 năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tích hợp tất cả DVCTT mức độ 4 của tỉnh vào Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng kế hoạch thực hiện chuẩn hóa quy trình các DVCTT mức độ 3; thiết lập các biểu mẫu điện tử (nếu có) cho các DVCTT mức độ 3 đạt yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục tiến hành công khai lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, tổng số TTHC của tỉnh 1.758 thủ tục, DVCTT của tỉnh đang cung cấp 1.148 DVCTT mức độ 3, 4, đạt 65,3%. Số DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia 553 dịch vụ, đạt 48,2%. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 536 dịch vụ, đạt 47% (trong đó mức độ 4 là 440 dịch vụ). Số hồ sơ được thực hiện qua DVCTT mức độ 3, 4 là 51.629 hồ sơ (trong đó mức độ 4 là 37.806 hồ sơ).

Về việc triển khai cung cấp chữ ký số, chứng thư số, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền) cấp chứng thư số chuyên dùng cho 381 tổ chức, 710 cá nhân và cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số cho 138 cá nhân để thực hiện ký số trên thiết bị di động. Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp chữ ký số và được hướng dẫn ký số vào văn bản điện tử. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 97%.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN