
Sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu.
Dự án CSAT Bến Tre có tổng mức đầu tư 27 triệu USD, tương đương 621 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 - 2027. Trong các giai đoạn, Dự án Phát triển Kinh doanh với người nghèo nông thôn (DPRB) và Dự án Thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, Dự án CSAT Bến Tre do IFAD tài trợ (giai đoạn thứ 3) vừa bắt đầu được triển khai thực hiện.
Giám đốc Dự án CSAT Bến Tre Nguyễn Khắc Hân cho biết, cũng như các Dự án DPRB và AMD, Dự án CSAT Bến Tre được Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) tài trợ. Mục tiêu tổng quát của dự án là hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.
Mục tiêu cụ thể, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nhóm hưởng lợi trực tiếp: Ít nhất 25.000 hộ sản xuất nhỏ (tương đương 87.500 người), với nhóm mục tiêu gồm hộ nghèo và cận nghèo; hộ dễ bị tổn thương; phụ nữ nông thôn và hộ do phụ nữ làm chủ hộ; nông dân trung bình và khá; thanh niên nông thôn.
Nhóm hưởng lợi gián tiếp: Các cơ quan chính quyền, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm hợp tác và các tổ chức sản xuất trong vùng. Tổng mức đầu tư: 27 triệu USD, tương đương 621 tỷ đồng (trong đó: Khoản vốn vay IFAD: 17 triệu USD, tương đương 391 tỷ đồng; Khoản vốn viện trợ: 4,5 triệu USD, tương đương 103,5 tỷ đồng; Đối ứng của địa phương: 126,5 tỷ đồng, tương đương 5,5 triệu USD).
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở các xã mục tiêu giảm tối thiểu 20%/tổng số hộ nghèo tại thời điểm kết thúc dự án (tính đến giới, và chủ hộ gia đình là nữ, phụ nữ, thanh niên và hộ dễ bị tổn thương). Trên 17.500 hộ sản xuất nhỏ lẻ cho biết khả năng chống chịu với các cú sốc về khí hậu, môi trường và kinh tế tăng hơn 20% (phân theo nghèo, dễ bị tổn thương, giới, tuổi). Khoảng 20.000 hộ áp dụng các công nghệ và thực hành thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường, tỷ lệ tăng thu nhập của người dễ bị tổn thương và người nghèo là 15%. Khoảng 80% phụ nữ /thanh niên/nam giới trong khu vực dự án cho biết sự cải thiện trong trao quyền. Tạo ra khoảng 500 việc làm mới, trong đó 150 việc làm cho nam giới, 350 việc làm cho phụ nữ và 200 việc làm cho thanh niên; 70 % các tổ chức của các nhà sản xuất nông thôn tham gia vào các mối quan hệ đối tác/thỏa thuận hoặc hợp đồng với các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân.
Một trong những nhóm hưởng lợi trực tiếp từ Dự án CSAT Bến Tre là phụ nữ nông thôn và hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre Hồ Bích Hạnh chia sẻ, việc trao quyền cho phụ nữ trong phát triển sinh kế nông nghiệp là điều vô cùng quan trọng cho tiến trình phát triển bền vững. Ở nông thôn, phụ nữ thường là lực lượng lao động chính và đóng vai trò then chốt trong nông nghiệp và phát triển cộng đồng. Vì vậy, trao quyền cho phụ nữ sẽ giúp họ có điều kiện tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ, thông tin, công nghệ và thị trường; cải thiện thu nhập và đời sống gia đình; thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn. Sẽ tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu của họ, đồng thời giúp họ góp phần vào việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa, cộng đồng; thể hiện ý kiến và quyết định trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình và gia đình; đóng góp vào việc xây dựng các chính sách.
Dự án CSAT Bến Tre thực hiện các hoạt động nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập cho người dân. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức sẽ cho biết, dừa đã hình thành được 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã, với quy mô 9.332,5 ha và 6.853 thành viên. Xây dựng vùng sản xuất dừa, với tổng diện tích (có thực hiện liên kết) 23.747 ha (chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh). Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 18.500 ha, đạt 92,5% so với Nghị quyết, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 11.628 ha.
Kết quả, đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung. Trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 2.162,9 ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 40 ha. Hiện tại, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung cây ăn trái theo các kế hoạch đã ban hành. Đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất tập trung trên cây trồng chủ lực và tăng cường tập huấn, hướng dẫn người các quy trình sản xuất, quy trình quản lý sinh vật gây hại đảm bảo sản phẩm đồng nhất đáp ứng yêu cầu thị trường.
Để hoàn thành mục tiêu của Dự án CSAT trong điều kiện đang tiếp tục vận động huy động nguồn viện trợ như thiết kế ban đầu của Dự án CSAT, được UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Dự án giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Dự án CSAT phối hợp nhà tài trợ IFAD tăng cường huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để phục vụ mục tiêu CSAT. Đến nay, Dự án đã tiếp cận và viết đề xuất đầu tư một số dự án của các nhà tài trợ, gồm: Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu bưởi da xanh tỉnh Bến Tre do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 157.500 USD, thời gian thực hiện từ năm 2023-2024. Dự án Khuyến khích tài chính đổi mới để tạo sinh kế thích ứng ở vùng nước ngập nước (IFIA) do Quỹ thích ứng BĐKH (AF) tài trợ, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 5 triệu USD cho hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, thời gian thực hiện từ năm 2023-2028. Dự án Chống chịu khí hậu và Chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (MERIT-WB11) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với tổng vốn đầu tư là 32,341 triệu USD (trong đó vốn viện trợ là 5,554 triệu USD), thời gian thực hiện từ năm 2025-2030. Dự án Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH tỉnh Bến Tre do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, với với tổng vốn viện trợ không hoàn lại đề xuất là 10 triệu USD, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025-2029.
"Có thể nói, với mục tiêu dự án đặt ra rất cụ thể, cùng những giải pháp phù hợp, tăng cường kết nối với các quốc gia phát triển hơn để có thể tiếp cận những sáng kiến hay nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, đặc biệt là sử dụng nguồn hiệu quả cho đầu tư phát triển; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác lồng ghép nguồn lực từ các chương trình để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, hy vọng dự án CSAT Bến Tre sẽ đạt kết quả cao, hoàn thành được các mục tiêu đề ra”- Giám đốc Dự án CSAT Bến Tre Nguyễn Khắc Hân cho biết thêm.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp