Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

26/10/2015 - 07:09

Dệt lưới xơ dừa ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3 ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và 54 làng nghề phát triển theo hướng bền vững.

Từ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Hàng CN-TTCN được sản xuất nhiều ở Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành... Giá trị sản xuất giai đoạn 2010-2015 ước đạt gần 33 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 22,25%/năm. Trong đó, kinh tế có vốn trong nước ước đạt gần 21 ngàn tỷ đồng và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 13 ngàn tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu là bột cá, thức ăn thủy sản, chỉ xơ dừa, lưới dừa, than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, bộ dây điện xe ô-tô, giấy công nghiệp, dệt chiếu, chế biến cá khô, đan đát, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa… Năng lực sản xuất mới trong giai đoạn này các ngành công nghiệp có công suất tăng trưởng khá: sản phẩm bộ dây điện xe ô-tô tăng 67%; sản phẩm thủy sản đông lạnh (nghêu, tôm, mực, cá fillet...) tăng 30%; đường cát tăng 27%; may mặc tăng 20,65%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 2,23%, cơm dừa nạo sấy tăng 11,21% và nước máy tăng 30,57%. Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Kim ngạch xuất khẩu hàng CN-TTCN ước đạt gần 2.700 triệu USD, tăng bình quân 22,56%/năm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn này ước đạt gần 1.300 triệu USD; doanh nghiệp trong nước kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.400 triệu USD.

Hàng CN-TTCN được sản xuất nhiều nhất ở huyện Mỏ Cày Nam, chủ yếu là chỉ xơ dừa, đan đát bằng dây nhựa PE và huyện Giồng Trôm. Từ năm 2010 đến nay, tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 2.630 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Mỏ Cày Nam hiện có 30 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã và khoảng 2.200 cơ sở sản xuất hàng CN-TTCN, chủ yếu là các sản phẩm từ dừa. Mặt hàng TTCN mới nhất hiện nay là ghế đan bằng dây nhựa, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 25 ngàn lao động địa phương.

Ở Giồng Trôm, chỉ tính riêng năm 2015 có 35 doanh nghiệp và 1.480 cơ sở sản xuất hàng CN-TTCN, giải quyết việc làm cho hơn 7.600 lao động. Trong đó, ở lĩnh vực CN-TTCN, tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 500 tỷ đồng. Mặt hàng TTCN nhiều nhất là bánh phồng, bánh tráng, giỏ đựng quà bằng cọng dừa… Tổng sản phẩm lên đến hàng chục triệu cái mỗi năm, tập trung ở các xã: Hưng Phong, Phước Long, Sơn Phú, Hưng Nhượng, Mỹ Thạnh… với hơn 3 ngàn hộ tham gia sản xuất.

Đến làng nghề truyền thống

Toàn tỉnh có 54 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề sản xuất hàng TTCN và 36 làng nghề sản xuất nông nghiệp. “Làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc” ở xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) được UBND tỉnh công nhận năm 2006. Xã hiện có 34 cơ sở sản xuất bánh phồng, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Trong đó có 21/34 cơ sở lớn sản xuất bánh suốt năm. Hộ anh Lê Trúc Lâm, ở ấp Hưng Bình, có 3 đời sản xuất bánh phồng. Năm 2012, anh Lâm đầu tư máy cán bánh với kinh phí 180 triệu đồng. “Vào mùa Tết, tôi làm ra khoảng 10 ngàn cái bánh/ngày (bánh có đường kính 1,5 tấc). Muốn bánh đẹp thì quết hơi lâu một chút. Nước cốt dừa phải thật đặc, nguyên chất. Để cho bánh thêm hấp dẫn, pha thêm sữa, sầu riêng…” - anh Lâm cho biết kinh nghiệm.

Nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) có 160 hộ tham gia, hầu hết các hộ sử dụng lát tại địa phương với diện tích 48ha được trồng 3 vụ/năm. Trung bình mỗi công cho ra 600kg lát khô. Ông Trần Quốc Duyệt - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghề dệt chiếu ở đây có hơn 100 năm. Đến nay, không biết ai là người đầu tiên du nhập nghề dệt chiếu vào Thành Thới B”. Sản phẩm chiếu của Thành Thới B đã và đang có mặt khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. “Vào những tháng cận Tết, làng nghề dệt chiếu rất nhộn nhịp, âm thanh rọc rạch, rọc rạch… của khung cửi vang lên đều đều cả xóm. Cứ vào dịp Tết, gia đình tôi tập trung vào dệt chiếu, nhờ đó mà tôi xây được ngôi nhà gần 300 triệu đồng” - ông Trương Văn Hùng ở ấp An Điền, Thành Thới B phấn khởi nói.

36 làng nghề nông nghiệp hầu hết là sản xuất hoa kiểng và cây giống. Trong đó, làng nghề truyền thống hoa kiểng Bình Tây ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách hiện hữu trên 70 năm. Sản phẩm hoa kiểng ở đây có mặt trên toàn quốc, du khách nước ngoài đã từng đến ấp Bình Tây để tìm hiểu hoa kiểng.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích