Phát triển hiệu quả kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân

01/06/2023 - 16:39

BDK.VN - Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2023 -2025 và những năm tiếp theo đã xác định: Phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực KTTN. Nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng tỷ lệ DN quy mô vừa và lớn.

Phấn đấu đến năm 2025, phát triển mới 5 ngàn DN (trong đó, có 1.500 DN chuyển từ hộ kinh doanh; 600 DN khởi nghiệp; 15 DN khoa học công nghệ; 20 DN có vốn đầu tư nước ngoài; 50 DN công nghệ số, DN khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ số); xây dựng 100 DN dẫn đầu trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GRDP đạt khoảng 25%; năng suất lao động tăng từ 8-10%/năm. Tỷ lệ đóng góp của khu vực KTTN vào ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh đạt từ 25% trở lên.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kèm theo là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN. Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của KTTN và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của KTTN. Tiếp tục tập trung hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn lực, nâng cao năng suất. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển KTTN.

Đồng thời, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành tỉnh, địa phương xây dựng kế hoạch để thực hiện hiệu quả kế hoạch này. Trong đó, có ưu tiên bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình, dự án do ngành, địa phương quản lý để triển khai các nội dung theo nhiệm vụ được phân công, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Triển khai sâu rộng đến tất cả công chức, viên chức, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Trong triển khai thực hiện phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch thực hiện, đảm bảo tiến độ, lộ trình các nhiệm vụ, chỉ tiêu và công việc được giao. Chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN