Hỗ trợ khôi phục chuỗi cung ứng nguyên liệu ngành dừa phục vụ cho chế biến và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch xác định lộ trình, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh và thực tiễn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh. Đến cuối năm 2021, phục hồi tình trạng sản xuất kinh doanh, ổn định, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra (chọn kịch bản tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên). Đến hết năm 2022, tỉnh hoàn toàn trở về trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
UBND tỉnh nhận định từ đầu quý III-2021, nhất là trong 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16- CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đã tác dộng sâu rộng, toàn diện đến mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh kế, sức khỏe của nhân dân, đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt động không quá 16% (tháng 9-2021). Số lượng lao động giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10% trong khu công nghiệp. Số người cần phải trợ cấp an sinh xã hội do mất việc làm, ngưng việc chiếm 27 đến 28% dân số tỉnh và đang có chiều hướng gia tăng. Chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là dừa, thủy sản bị đứt gãy. Thị trường trong nước và xuất khẩu giảm trên 20%; dịch vụ, sức mua giảm mạnh.
Các công trình, dự án đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa bị ngưng trệ. Thu ngân sách nhà nước trong tháng 7 và 8 có dấu hiệu chững lại, giảm so với cùng kỳ. Trong tháng 8, Cục Thống kê dự báo khả năng tăng trưởng GRDP của tỉnh không quá 4,42%, chỉ bằng 57% mục tiêu phấn đấu của năm 2021.
Nhằm từng bước phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm theo tiến độ kiểm soát dịch Covid-19, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế theo 2 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn phục hồi kinh tế từ ngày 25-9-2021 đến cuối năm 2021; giai đoạn phát triển kinh tế từ 1-1-2022 đến cuối năm 2022.
Theo giai đoạn phục hồi kinh tế, mục tiêu là các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại. Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài khu/cụm công nghiệp có điều kiện trở lại sản xuất, kinh doanh tại huyện, thành phố kiểm soát được dịch (vùng xanh); tương đương đạt 70% vùng vàng và 50% vùng cam.
Cụ thể, hầu hết các ngành, lĩnh vực được mở cửa hoạt động trở lại. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hộ gia đình bán thức ăn, giải khát không phục vụ tại chỗ (hoặc kinh doanh tại chỗ dưới 20 người ở vùng xanh, giữ khoảng cách 2m), các cơ sở chỉ bán mang đi.
Riêng các dịch vụ du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bến xe, vận chuyển hành khách, các khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, thể dục thể thao, thẩm mỹ, phục vụ tại chỗ số lượng cụ thể... chỉ được hoạt động khi có thông báo hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.
Các giải pháp trọng tâm để khôi phục kinh tế như: Miễn giảm thuế, các loại phí, lệ phí, hỗ trợ về tín dụng; tổ chức sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường; nguồn nhân lực; huy động nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp…
Đối với giai đoạn phát triển kinh tế, từ đầu năm 2022, tỉnh sẽ khởi đầu giai đoạn bình thường mới trong toàn tỉnh. Với phương châm sống chung với dịch bệnh Covid-19 (vắc-xin + công nghệ + 5K), tỉnh sẽ bắt đầu quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trên 8%; tổng kim ngạch xuất khẩu 1.700 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.520 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 50,13 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.948 tỷ đồng…
Tin, ảnh: Cẩm Trúc