Phát triển nghề nuôi bò ở Ba Tri

01/07/2024 - 21:27

BDK.VN - Hiện tại, huyện Ba Tri có tổng đàn bò hơn 96,17 ngàn con, đạt tỷ lệ 96,17% so với Nghị quyết số 40/NQ-HĐND (ngày 12-12-2023) của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh huyện năm 2024. Người nuôi luôn đặt trọn niềm tin và hy vọng vào ngày mai “tươi sáng” về giá cả vật nuôi trên thị trường tiêu thụ như trước kia.

Gần 20 năm, ông Trần Văn Rai (Rai Em), 51 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 5, ấp Bến Nò, xã Mỹ Hòa chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo; tạo nguồn thu nhập bền chắc cho gia đình. Trước kia, ông Rai Em nuôi hơn 20 con bò và đã chiết bán bớt để vừa sức nuôi cùng tầm khả năng chăm sóc của bản thân. Hiện tại, ông Rai Em đang nuôi 6 con bò sinh sản và vỗ béo.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Trương Bé Thơ thực tế tình hình nuôi bò tại hộ ông Trần Văn Rai (bìa trái).

Hiện nay, ông Rai Em có 6 công đất để canh tác (3 công trồng cỏ và 3 công trồng lúa) tạo nguồn thức ăn ổn định cung cấp cho bò. Ngoài ra, ông tranh thủ lúc rơm rẻ mua dự trữ nuôi bò. Từ nguồn thức ăn sẵn có, ông Rai Em nuôi bò cùng quan niệm “Lấy công làm lời” mặc dù giá bán bò giống và thịt trên thị tiêu thụ có sụt giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc chăn nuôi truyền thống của gia đình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Trương Bé Thơ chia sẻ: “Bò là vật nuôi chủ đạo và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Gần đây, giá bán bò giống và thịt bò trên thị trường tiêu thụ đã tăng nhẹ từ 2 - 3 triệu đồng/con. Bởi thế, người nuôi đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình và không vay vốn ngân hàng hay nợ nần vì con bò mà quyết lòng gắn bó bền chặt cùng công việc chăn nuôi. Hướng tới, địa phương tiếp tục vận động và tuyên truyền cho người dân giữ vững sản lượng chăn nuôi để chờ ngày bình ổn giá cả trên thị trường tiêu thụ.”

Ông Trần Văn Rai đang phơi phân bò bán để tạo thêm thu nhập.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri Nguyễn Hữu Học cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện chủ yếu nuôi bò theo hình thức hộ gia đình và nhỏ lẻ. Hướng tới, khuyến khích các hộ chăn nuôi có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi để thành lập trang trại. Huyện đang tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh cho việc đầu tư chăn nuôi bò theo kiểu trang trại, hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT). Đồng thời, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Bò Ba Tri” cho các cơ sở nuôi đủ điều kiện nhằm góp phần phát triển nghề nuôi bò ở địa phương theo hướng bền vững.

Ông Bùi Văn Ân (Sáu Ân), 74 tuổi, ngụ tại Tổ NDTQ số 8, ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa gắn cho biết, nuôi bò, trâu đã gắn chặt cuộc đời tôi từ thuở nhỏ, nay thì cũng lớn tuổi nên vẫn quyết lòng giữ vững công việc này để kiếm thêm ít đồng lời trong cuộc sống. Công việc phù hợp cùng sức khỏe nông dân làng quê trong buổi xế chiều. Để đảm bảo nguồn thức ăn, ông Sáu Ân mướn 2 công đất trồng cỏ, giá thuê 1,5 triệu đồng/công/năm để chăn nuôi, 

“Để duy trì và phát triển nghề nuôi bò, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Xây dựng liên kết hợp tác để cùng nhau quản lý về giống, xử lý dịch bệnh và nâng cao chất lượng vật nuôi. Kết nối doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mời gọi đầu tư trong việc xây dựng khu liên hợp hay lò giết mổ tập trung, nhằm chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp việc đóng gói và gắn bao bì độc quyền nhãn hiệu “Bò Ba Tri”.

(Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri Nguyễn Hữu Học)

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN