Phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới

07/07/2017 - 07:10

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (bìa trái) tham quan trang trại “Vườn lan huyền thoại”. Ảnh: Mã Phương

Trong chuyến đi học tập kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh về công tác lãnh đạo cấp ủy, vai trò của công tác tổ chức trong xây dựng Đảng tại cơ sở; cải cách hành chính công vụ và xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày 5-7-2017, đoàn công tác do Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi làm trưởng đoàn đến huyện Củ Chi tham quan 2 mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp lợi nhuận “triệu đô” mà địa phương đã tổ chức được trong quá trình đi lên huyện NTM.

Năm 2007, gia đình chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền chuyển đổi 5ha đất trồng cao su ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thành một trang trại lan với tên gọi “Vườn lan huyền thoại”. “Tôi đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng/ha cho xây dựng cơ bản và giống. Mỗi héc-ta trồng khoảng 35 - 40 ngàn chậu. Sau khoảng 6 tháng, lan bắt đầu cho thu hoạch hoa. Vòng đời của cây lan khoảng 4 năm sẽ thay mới” - chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, hiện mỗi héc-ta lan cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/tháng. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là trong nước, chị cũng đã xuất khẩu sang một số nước lân cận như: Lào, Campuchia, Trung Quốc… Với thành công từ vườn lan của chị Huyền, 11 hộ dân khác tại xã cũng đã tham gia thực hiện theo mô hình HTX, nâng tổng diện tích lên hơn 22ha. Từ thành công của “Vườn lan huyền thoại”, hiện Củ Chi có hơn 220ha trồng hoa lan các loại.

 “Tôi đã tìm hiểu về Bến Tre, do độ ẩm cao nên chỉ phù hợp với các loại lan họ Dendro trắng mà thôi. Riêng các chủng loại lan khác trồng khó thành công vì độ ẩm khiến năng suất rất thấp. Nông dân Bến Tre chỉ cần trồng đúng kỹ thuật, siêng năng, 1.000m2 đất trồng lan sẽ cho thu nhập khá” - chị Huyền chia sẻ.

Đi vào hoạt động từ năm 2013, quy mô sản xuất, lợi nhuận từ kinh doanh cá cảnh HTX sinh vật cảnh Sài Gòn của người dân xã Phước Hiệp đã tạo nhiều thú vị đối với đoàn công tác của tỉnh. “Hơn 20ha đất đều của gia đình tôi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố, huyện Củ Chi, Liên minh HTX thành phố, tôi cùng 20 hộ nữa góp vốn thành lập HTX sản xuất các chủng loại cá cảnh. Cuối năm 2013, HTX đã xuất khẩu 4 triệu con cá cảnh, thu lãi ròng khoảng 1,2 triệu USD, đến năm 2016, xuất được 8 triệu sản phẩm, thu hơn 3 triệu USD. Quan trọng là thị trường của sản phẩm cá cảnh còn rất lớn. Chúng tôi đang trong quá trình mở rộng sản xuất”, ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sinh vật cảnh Sài Gòn đầy tự tin.

Ông Thủy cho biết, các xã viên góp vốn, tham gia sản xuất, điều hành hoạt động của HTX. Riêng khâu chọn giống, áp dụng kỹ thuật do ông quyết định từ tư vấn, yêu cầu của phía đối tác.

“Muốn ngành nông nghiệp thành công, chúng ta phải trả lời những vấn đề lớn như: trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc ra sao, bán ở đâu… Đó là cả một quá trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương, thị trường trong nước và thế giới. Chúng tôi thấy rằng, nông dân Củ Chi chỉ có thể phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: cá cảnh, hoa lan, bò sữa. Từ đó, bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… người dân Củ Chi đã ủng hộ mạnh mẽ chương trình phát triển nông nghiệp đô thị và mọi việc hiện đã tốt hơn trước rất nhiều” - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết.

Từ thành công trong phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng NTM của “đất thép” Củ Chi, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi xác định: Bí quyết của Củ Chi là sự tham gia tích cực của chính quyền, cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Bằng cách phát huy tối đa tính dân chủ và truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, Củ Chi đã thực hiện thành công các chủ trương lớn một cách khá dễ dàng. Khi thực hiện các chủ trương như: xây dựng NTM, mỗi xã một sản phẩm… Bến Tre có thể áp dụng được vì có những điểm tương đồng như thế, đó là tinh thần Đồng khởi.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN