Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả

22/11/2021 - 06:09

BDK - Mỏ Cày Nam là một trong những huyện phát triển nông nghiệp (NN) rất đa dạng. Ngoài con heo, vườn dừa, huyện còn nhiều ngành nghề khác như nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, cá da trơn. Cùng với đó là tập trung đa dạng hóa tối đa tiềm năng, thế mạnh NN; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả gắn với thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm NN.

Thu mua dừa trái. Ảnh: Hoàng Vũ

Thu mua dừa trái. Ảnh: Hoàng Vũ

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Huyện có diện tích vườn dừa khá lớn, với 16.870ha, trong đó diện tích thu hoạch 16.040ha, sản lượng đạt 176,4 triệu trái. Diện tích cây ăn trái 2.055ha (trồng xen 1.855ha, trồng chuyên 200ha); trong đó diện tích thu hoạch 1.550ha, sản lượng đạt 11.005 tấn; 46,17ha bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP, 153 hộ của 14 tổ hợp tác. Ngành NN huyện thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện việc cải tạo vườn dừa, vườn tạp kém hiệu quả để trồng xen các cây trồng phù hợp, hiệu quả. Diện tích vườn dừa có trồng xen, nuôi xen hiệu quả hiện nay là 6.073ha, đạt 36% so với diện tích vườn dừa của huyện, đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Số hộ chăn nuôi và tổng đàn heo của huyện tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả heo châu Phi tái phát và diễn biến phức tạp đã làm người nuôi heo chưa mạnh dạn tăng đàn, tái đàn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm. Đàn bò giảm so với cùng kỳ năm trước do dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 2 xã Tân Trung và Ngãi Đăng diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Dịch Covid-19 làm nhiều hộ nuôi bò xuất bán nhưng chưa nuôi lại. Giá dê giảm nhưng người dân vẫn duy trì đàn.

Toàn huyện có tổng đàn heo 258 ngàn con, sản lượng 66.461 tấn; đàn bò 16,1 ngàn con, sản lượng 1.545,7 tấn; đàn gia cầm 1,45 triệu con, sản lượng 4.347 tấn; đàn dê 17 ngàn con, sản lượng 235,7 tấn. Diện tích nuôi tôm xen trong vườn dừa 400ha, chủ yếu nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, trong đó có 6ha nuôi tôm chân trắng, tập trung ở các xã Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn, Bình Khánh. Diện tích nuôi cá 950ha, trong đó cá da trơn công nghiệp 65ha; cá lóc nuôi 10ha, với 58 hộ, chủ yếu tại xã Hương Mỹ. Tổng sản lượng khai thác 1.900 tấn các loại; trong đó tôm 500 tấn, cá 1.400 tấn. Sản lượng nuôi 21.457 tấn; trong đó tôm 279 tấn, cá 21.178 tấn.

Mô hình hiệu quả gắn với chuỗi giá trị

“UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng huyện và các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình và hỗ trợ hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Hướng dẫn chuyển đổi hình thức hoạt động 100% tổ hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ. Thực hiện áp dụng các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng (GAP), hữu cơ, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Đỗ Hoàng Minh)

Thời gian qua, huyện tiếp tục phát triển vườn dừa hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Toàn huyện có trên 3 ngàn vườn dừa đang thực hiện quy trình canh tác hữu cơ, tổng diện tích 2.755ha; trong đó có 1.800 vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, diện tích 1.700ha. Hiện các công ty: Dừa Á Châu, Lương Quới, Betrimex, Hào Quang, Funny Fruit, Thuận Phong đã thực hiện việc liên kết với tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thu mua dừa trái, cơm dừa theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá sàn cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%. Tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm con heo, liên kết với doanh nghiệp Thanh Thêm tổ chức thu mua và giết mổ heo cung cấp cho hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh. Hiện có 13 THT, 2 HTX được cấp chứng nhận VietGAHP chăn nuôi heo với 160 thành viên.

Huyện có 7 THT chăn nuôi gà với 80 thành viên được cấp chứng nhận VietGAHP. Đã hướng dẫn các THT này thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT đã thành lập, định hướng, phát triển theo hướng tập trung, liên kết từ khâu nguyên liệu đầu vào thức ăn, con giống, thuốc thú y, liên kết trong tự phối trộn thức ăn.

Hướng dẫn các xã lựa chọn mô hình kinh tế có hiệu quả để thực hiện nhân rộng trên địa bàn. Chủ yếu là mô hình trồng dừa hữu cơ, mô hình trồng chuyên cây ăn trái, mô hình nuôi bò vỗ béo, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong mương vườn dừa, mô hình nuôi dê, mô hình gà thả vườn an toàn sinh học, heo nái sinh sản, xử lý chất thải bằng hầm biogas sinh học, nuôi ruồi lính đen. Hoàn thành việc xây dựng đề án quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước tập trung và đề án quy hoạch chăn nuôi tập trung giai đoạn 2020 - 2025 tại 15 xã, hiện đang triển khai thực hiện tại các địa phương.

Mô hình chăn nuôi heo. Ảnh: Hoàng Vũ

Mô hình chăn nuôi heo. Ảnh: Hoàng Vũ

Đã tổ chức triển khai Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh về việc quy định vùng không được phép chăn nuôi và các văn bản liên quan lĩnh vực chăn nuôi trên toàn huyện để người chăn nuôi thực hiện đúng theo quy định. Hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi theo quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay do các xã đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, trình UBND huyện phê duyệt, nên chưa xác định được vùng không được phép chăn nuôi.

Toàn huyện có 60 THT hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ, có 15 HTX hoạt động trên lĩnh vực NN. Trong đó, 10 HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết với doanh nghiệp gồm: HTX An Định, HTX Ngãi Đăng, HTX Minh Đức, HTX Phước Hiệp, HTX Định Thủy, HTX An Thới, HTX Thành Thới A, HTX Đa Phước Hội, HTX Bình Khánh, HTX Hương Mỹ.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật

Phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Các đối tượng gây hại chính gồm bọ dừa gây hại trên cây dừa, diện tích gây hại khoảng 1.250ha, mức độ nhiễm nhẹ; bọ vòi voi diện tích gây hại 1.080ha, tỷ lệ nhiễm 5 - 10%. Trên cây ăn trái, sâu đục trái bưởi, rệp sáp, rệp dính gây hại rải rác trên các vườn bưởi, đã hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò toàn huyện đạt tỷ lệ 90% đàn bò trong diện tiêm phòng. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập huấn công tác phòng chống bệnh dại trên chó, mèo, có 230 người tham dự.Tiếp tục theo dõi thực hiện dự án “Rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS” do Tổ chức Seed to Table tài trợ với 2 tổ sản xuất, 7 hộ tham gia ở xã An Thạnh, Đa Phước Hội. Các hộ đã đạt chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS và thực hiện tốt việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau hữu cơ, được Công ty Proci tại TP. Hồ Chí Minh liên kết tiêu thụ với giá cao hơn giá rau thông thường từ 100 - 200%. Hiện đang nhân rộng thêm hơn 835m2 rau canh tác theo quy trình hữu cơ. Tiếp tục theo dõi mô hình nuôi tôm càng xanh liền canh, liền cư thực hiện tại xã Định Thủy và An Thạnh, các mô hình phát triển ổn định. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn 4 mô hình “xây dựng vườn dừa kiểu mẫu kết hợp du lịch” tại xã Định Thủy. Theo dõi mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất NN, mô hình “ứng dụng công nghệ 4.0 trong tưới phun trên canh tác bưởi da xanh” cho 3 hộ dân trồng bưởi da xanh tại xã Thành Thới A, Ngãi Đăng. Triển khai thực hiện quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước tập trung và đề án quy hoạch chăn nuôi tập trung giai đoạn 2020 - 2025 tại 15 xã, trên địa bàn huyện.

Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Đỗ Hoàng Minh cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2021. Tích cực và chủ động thực hiện các giải pháp trên lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều kết quả, nhất là trong công tác liên kết sản xuất, phòng chống dịch bệnh, phòng chống hạn mặn, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân. Tiếp tục kiểm tra, theo dõi thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp đã triển khai. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của tỉnh để thực hiện các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hỗ trợ các địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo dõi tình hình phát triển, chuyển đổi cây trồng, phòng trị tốt các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi và giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung. Vận động xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung theo quy hoạch. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, VietGAHP và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát các loại dịch bệnh, thực hiện tốt công tác tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc để phòng chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Huyền Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN