Phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

21/08/2024 - 05:32

BDK - Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng nâng lên. Bước đầu, tỉnh xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Nông dân nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: CTV

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân năm 2024, với chủ đề “Phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế” gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã điểm lại một số kết quả nổi bật cụ thể trong thời gian qua. Cụ thể, về xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 18.558ha vùng sản xuất dừa (chiếm 24% diện tích dừa toàn tỉnh). 17.187ha dừa hữu cơ (chiếm 22,2% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó có 9.737ha được chứng nhận dừa hữu cơ. Xây dựng thí điểm 5 vùng sản xuất dừa tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ. 1 vùng sản xuất tập trung dừa uống nước. 32 tổ hợp tác (THT), 28 hợp tác xã (HTX) trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa, với quy mô 5.648ha và 6.226 thành viên.

Đối với vùng sản xuất bưởi da xanh, đến nay, có 7 THT, 12 HTX hình thành 19 liên kết, với doanh nghiệp đầu ra; đã cấp 13 vùng trồng bưởi da xanh, với diện tích 180ha. Hiện có 330,98ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác của tỉnh như: chôm chôm, nhãn, con bò, con heo, con tôm, hoa kiểng... được tỉnh tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là điều kiện quan trọng để những sản phẩm như: dừa, bưởi nói chung và bưởi da xanh... được nhập khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Vị thế, vai trò của người nông dân ngày càng được phát huy. Nông dân trở thành chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh khẳng định: Để đạt những kết quả nêu trên là công sức chung của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Trong đó, có sự đóng góp tích cực, to lớn, hiệu quả của người nông dân trong tỉnh. Nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả một cách thiết thực.

Những khó khăn, vướng mắc

Cũng tại hội nghị đối thoại, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng; phản ánh, đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay và về giải pháp phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Các ý kiến cho rằng, tình trạng nông sản được mùa mất giá; giá vật tư đầu vào cao; giá nông sản đầu ra thấp, mất cân đối thu nhập, gây khó khăn cho đời sống nông dân. Các vấn đề về nước tưới tiêu và nước sinh hoạt ở nông thôn đang còn nhiều khó khăn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; những khó khăn khi thực hiện chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; vấn đề sâu đầu đen hại dừa; hạn mặn ảnh hưởng ngày càng nhiều đến sản xuất nông nghiệp… đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ngành ngân hàng cần có giải pháp nào để đáp ứng nguồn vốn sản xuất cho nông dân và để hỗ trợ HTX, THT tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nông dân còn quan tâm các vấn đề về sản xuất xanh, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển HTX, THT. Xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả làng nghề. Việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cây dừa, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh…

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Trước các vấn đề đặt ra, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng hợp lý, phù hợp vào quá trình điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh, mạnh và bền vững, các sở, ngành tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với bà con nông dân, hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, đưa kinh tế nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” vững chắc cho kinh tế - xã hội tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các cấp tiếp tục, kiên trì, bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao vai trò làm chủ của nông dân, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng đến một mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và vì sức khỏe cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực phục vụ nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn chặt với xây dựng nông thôn mới.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, nông dân, các HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận thuận lợi vốn vay và các dịch vụ ngân hàng cần thiết với lãi suất và phí dịch vụ hợp lý để phục hồi và phát triển sản xuất. Thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

T. Hùng - C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN