Phát triển sản phẩm hàng hóa một cách có hệ thống

21/08/2017 - 07:22

Sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí: đặc sản của địa phương, có giá trị gia tăng, nguyên liệu, vật liệu tại địa phương…

Ngày 20-8-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Mỗi xã, phường một sản phẩm” dành cho đối tượng là các cấp ủy và lãnh đạo các ngành, các cấp. PGS.TS, nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn - Trưởng Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội trình bày chuyên đề.

PGS.TS Trần Văn Ơn là nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty DK Pharma, Tư vấn trưởng chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One commune one product - OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Chương trình này hoàn toàn do Công ty DK Pharma tổ chức tư vấn (từ ý tưởng đến triển khai), với sự tham gia của cố vấn Thái Lan. Ý tưởng chương trình OCOP Quảng Ninh xuất phát từ thành công của các chương trình OVOP (One village one product: Mỗi làng một sản phẩm) Nhật Bản, OTOP (One tambon one product: Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm) Thái Lan… Kết thúc giai đoạn 1 ở Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án OCOP quốc gia. Theo đó, các tỉnh đồng loạt xây dựng Đề án OCOP riêng mỗi tỉnh, cấp huyện, xã sẽ triển khai theo đề án chung của tỉnh.

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, sản phẩm được xác định là hàng hóa và dịch vụ. Chủ thể thực hiện là người dân, tập trung vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thực hiện được cần có sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Cơ quan chỉ đạo là Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Đối tác là nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà tư vấn, tổ chức tín dụng…

Việc xây dựng Đề án OCOP của tỉnh phải qua khảo sát thực tế thế mạnh những sản phẩm hiện có, tình trạng sản xuất, doanh thu… tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, xu thế phát triển sản phẩm về lâu dài phải đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, mang tính toàn cầu. Mục tiêu chung của OCOP là tạo ra lợi ích cho xã hội, nhất là khu vực nông thôn; tạo ra hệ thống hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm hàng hóa một cách có hệ thống.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, sự tham dự đông đủ và lắng nghe của các bí thư 164 xã, phường trong tỉnh, lãnh đạo các ngành, các cấp bước đầu thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh. “Tới đây, tỉnh sẽ triển khai cho người dân các địa phương đăng ký sản phẩm, kế đến là tổ chức công nhận sản phẩm. Đây được xác định là chương trình phát triển kinh tế, kết hợp các chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp Bến Tre. Tin tưởng rằng lực lượng Đoàn Thanh niên sẽ cùng các ngành, các cấp phối hợp tổ chức tốt việc triển khai Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tin, ảnh: C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích