Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

28/08/2023 - 17:13

BDK.VN - Sáng 28-8-2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tổ chức phiên họp thứ 4, trực tuyến với các địa phương sơ kết tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì. Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, thành viên BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao 102.025 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch). Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Về phân bổ, giao kế hoạch, dự toán ngân sách Trung ương: Tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 là 83.616,619 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư công 48.216,812 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp 35.379,807 tỷ đồng).

Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại của kế hoạch năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Bộ Tài chính đang rà soát phương án giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Về giải ngân vốn đầu tư của các chương trình, ước đến ngày 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình MTQG - Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (tăng11,3% so với cuối năm 2020); có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM; có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh: Lai Châu; Hà Giang; Cao Bằng; Điện Biên; Quảng Trị; Thanh Hoá; Kon Tum; Ninh Thuận đã có báo cáo kết quả giải ngân nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua, dự kiến kết quả đến cuối năm 2023, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Ý kiến của các địa phương được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ quản giải trình, hướng dẫn cụ thể từng vấn đề, nhằm giúp các địa phương có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình MTTG trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao kết quả các địa phương đạt được trong thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua. Các địa phương có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong khuôn khổ để thực hiện giải ngân nguồn vốn đạt 28,7% tổng vốn đầu tư cả 3 Chương trình MTQG và nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Về giải pháp cho thời gian tới, Phó thủ tướng Chính Phủ đề nghị: Cơ quan chủ quản cần có cơ chế không bắt buộc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm cho các dự án có quy mô nhỏ. Xin cơ chế phê duyệt dự án chỉ cần phù hợp với nội dung đầu tư của các Chương trình MTQG đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. Giao dự toán chi thường xuyên hàng năm cho từng dự án Chương trình MTQG đảm bảo linh hoạt và chủ động cho các địa phương. Cho phép sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện một số nội dung của các Chương trình MTQG. Tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Thủ tục cần linh hoạt, đơn giản để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trung ương sẽ tạo cơ chế chủ động cho địa phương; địa phương cần linh hoạt chủ động, quyết liệt hơn, nhất là vai trò người đứng đầu trong thực hiện các Chương trình MTQG. Tập trung nghiên cứu văn bản mới, lồng ghép nguồn vốn của địa phương vào quá trình thực hiện.

Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ, các ngành có liên quan chuẩn bị tốt nhất báo cáo đoàn giám sát tối cao, vì đây là cơ hội để tháo gỡ khó khăn. Bộ quan tâm ghi nhận ý kiến đóng góp từ Ủy ban Dân tộc của Quốc hội tại cuộc họp để bổ sung vào chương trình trong thời gian tới. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan và có quy định thời hạn.

Tin, ảnh: P. Tuyết

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN