Phó Thủ tướng đề nghị Nike cung cấp độc quyền sản phẩm cho SEA Games 31

17/12/2019 - 19:44

Chiều 17-12-2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ là ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike và ông Timothy F. Geithner, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike. Ảnh: VGP/Thành Chung 

Tập đoàn Nike là nhà cung cấp giày, quần áo và dụng cụ thể thao hàng đầu thế giới với tổng doanh thu trong năm tài chính 2018 khoảng 36,4 tỷ USD. Nike bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam năm 1995 với 5 nhà máy sản xuất giày thể thao.

Phó Chủ tịch của hãng đồ thể thao hàng đầu thế giới bày tỏ chúc mừng chiến thắng vang dội của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua.

Hiện nay, nhà máy Nike tại Việt Nam là nhà máy sản xuất lớn nhất và quan trọng nhất của Tập đoàn trên toàn thế giới, đang hợp đồng với trên 100 nhà máy trong nước với 500.000 lao động. Hằng năm, nhà máy này sản xuất khoảng 300 triệu đôi giày, tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 là 6,7 tỷ USD.

Có được kết quả này, ông Chris Helzer đánh giá cao chất lượng nguồn lực và kỹ năng của người lao động Việt Nam và tin tưởng vào môi trường đầu tư ở đây. Theo ông Chris Helzer, năm 2020 là năm trọng đại với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có Nike, cũng như với quan hệ hai nước, khi Nike sẽ kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam và cũng là 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Chris Helzer cho biết, Nike cũng chú trọng đến các hoạt động xã hội và đã phối hợp với một số trường học triển khai các chương trình để tăng cường hơn các hoạt động thể thao, vận động ngoài trời cho trẻ em.

Ông cũng nêu lên một số đề xuất về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ cho nhà máy của Tập đoàn tại Việt Nam và việc tạo điều kiện cho Tập đoàn ký các hợp đồng sử dụng năng lượng tái tạo theo xu hướng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường của Tập đoàn trên toàn thế giới; đề nghị Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Cảm ơn những chia sẻ của Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận Nike có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như ngành giày dép và cho các hoạt động xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ VIệt Nam luôn cố gắng quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung các loại thuế và chính sách, ưu tiên cho dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, khuyến khích, ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thiện chí chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng cho biết, sau kỳ họp của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), hai bên đang có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiếp tục tăng cường thương mại theo hướng cân bằng hơn, giảm xuất siêu. Phó Thủ tướng mong muốn thời gian tới, Nike mở rộng danh mục các nguyên liệu sử dụng tại Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng phát triển.

Với tư cách là doanh nghiệp lớn, có uy tín của Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong Phó Chủ tịch Tập đoàn tác động với các bộ, Chính phủ Hoa Kỳ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước; khẳng định Việt Nam không theo đuổi xuất siêu với Hoa Kỳ, không theo đuổi chính sách thao túng tiền tệ, Việt Nam đang cố gắng mua ngày càng nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ để cân bằng cán cân thương mại.

Cho rằng năm 2020, ngoài quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh hơn, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Nike có sáng kiến để kỷ niệm năm hệ trọng này, chẳng hạn như việc cung cấp độc quyền sản phẩm cho SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi để Nike hoạt động lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus toàn cầu, ông Timothy F. Geithner. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus toàn cầu, ông Timothy F. Geithner. Ảnh: VGP/Thành Chung

Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ tài chính

Tiếp Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus toàn cầu Timothy F. Geithner, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ giai đoạn (2009-2013), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những hoạt động hợp tác kinh doanh của Warburg Pincus tại Việt Nam vừa qua.

Phó Thủ tướng mong Warburg Pincus tiếp tục đầu tư và mở rộng ra các lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích như hạ tầng, công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin,...

Ông Timothy F. Geithner đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm phát triển dịch vụ tài chính, trong đó có lĩnh vực mới như ngân hàng số và thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus đề nghị Chính phủ nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngân hàng thương mại nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam cam kết mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài nhất là trong lĩnh vực dịch vụ theo đúng lộ trình tại các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã ký kết.

Về lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ sẽ xem xét giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư khác, trong đó có 4 ngân hàng thương mại lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank) chiếm hơn 50% nguồn cung tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ giảm xuống còn 65% sở hữu của Nhà nước vào năm 2025.

Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã dự thảo trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) về chứng chỉ lưu ký (cổ phiếu) không có quyền biểu quyết để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu và bảo đảm kiểm soát được các rủi ro. Dự kiến 2 dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào tháng 5-2020.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang nghiên cứu việc ban hành quy định về “cổ phiếu vàng” để nhà nước sở hữu 1 cổ phiếu này tại doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng cổ phần hoá (nhưng là cổ phiếu có quyền phủ quyết) để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hệ thống tín dụng, thanh toán tại Việt Nam.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN