Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo phòng chống bão tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại Hải Phòng vào chiều 7-9-2024. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN
Sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 duy trì liên lạc, khẩn trương thống kê chính xác thiệt hại do bão gây ra. Cùng với đó gấp rút phối hợp cùng các lực lượng lên phương án tìm kiếm, cứu nạn các trường hợp mất tích, gặp nạn. Bằng mọi cách triển khai sớm nhất lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân đang mất tích.
Phó thủ tướng lưu ý các địa phương ven biển không được chủ quan, nhất là khi hoàn lưu bão dự báo sẽ gây mưa lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương thiết lập phương án khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, bão số 3 đến chiều tối 7-9-2024 tiếp tục đi sâu vào trong đất liền. Dự báo bão sẽ suy yếu chậm nên các địa phương cần tiếp tục tập trung sẵn sàng các biện pháp phòng, chống.
Trước những thiệt hại do bão gây ra, các địa phương, nhất là vùng ven biển cần rút kinh nghiệm các đặc tính của bão để tổ chức phòng, chống hiệu quả hơn, hạn chế tối đa thiệt hại. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và khu vực Tây Bắc không phải trung tâm bão đi qua nhưng nghiêm túc duy trì công tác ứng trực đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt lưu ý hoàn lưu mưa, tránh tình trạng sạt lở gây nguy hiểm.
Mưa gây ngập lụt tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 7-9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh.
Phòng, chống bão, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu. Các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.000 tàu cá với gần 220.000 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển; sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn; bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương, mặt ruộng...