Thi công cống ngăn mặn trên sông Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp
Chủ động phòng chống
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cho rằng, ngay từ giữa năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai, quán triệt để các ngành, các cấp chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ hạn mặn. Đồng thời, đã triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm như: chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ, tình huống hạn mặn có thể xảy ra. Tổ chức vận hành hợp lý, có hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi hiện có; tăng cường nạo vét kênh mương nội đồng, tổ chức đắp khẩn cấp nhiều đập tạm để ngăn mặn, giữa ngọt.
Đã tổ chức được 135 cuộc tập huấn, sinh hoạt, tọa đàm, hội thảo, 290 cuộc tư vấn nông hộ với trên 3.850 lượt nông dân tham dự. Bố trí gần 50 điểm đo mặn nhằm tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Nạo vét được khoảng 260km kênh mương nội đồng với tổng khối lượng gần 840.000m3; sửa chữa, nâng cấp các công trình cống, bờ bao. Vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng 800.000m3 nước, đã tạo được nguồn cung ổn định cho các nhà máy nước sinh hoạt phục vụ khoảng 200 ngàn người dân thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Thực hiện đắp khẩn cấp các đập tạm trên kênh Sông Mã, sông Ba Lai...
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 188 máy lọc nước RO. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành 21 điểm RO tại các nhà máy nước của trung tâm. Đã vận động 18.122 bồn chứa nước 500 lít; 15.216 can loại thùng 20,30 lít; 113.000 bình nước uống; 732 máy hệ thống lọc mặn nhỏ; 530 điểm cấp nước; 170.000m3 nước từ các nhà tài trợ. Tổng giá trị hỗ trợ là 75 tỷ đồng, với 1.050 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, thiệt hại do hạn mặn cũng rất nghiêm trọng, làm thiệt hại hoàn toàn 5.287ha lúa Đông Xuân; hoa màu: 482ha; 2.070ha cây ăn trái, 1,2 triệu hoa kiểng, 600ha cây giống bị ảnh hưởng và 20.000ha bị thiếu nước. Lĩnh vực thủy sản có 2.349ha bị ảnh hưởng.
Giải pháp lâu dài
Đại biểu Nguyễn Việt Thành, đơn vị huyện Mỏ Cày Nam cho rằng, phải xác định từ nay, dân mình phải sống chung với hạn mặn nên các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt mang tính chiến lược hơn. Mỏ Cày Nam đang triển khai các công trình, dự án lớn, trong đó có 3 rạch Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm. Nếu thực hiện được, thì các sông rạch sẽ trở thành hồ chứa nước ngọt. Đề nghị tỉnh cho đắp đập tạm Sa Kê phục vụ nguồn nước thô cho các nhà máy nước trong huyện hiện cung cấp nước khoảng 20 ngàn hộ dân. Đồng thời, cần quản lý bảo trì, vận hành các hệ thống lọc sau mùa mặn mới có thể sử dụng lâu dài.
Người dân ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) chung sức lấp kênh để trữ nước ngọt để tưới cho cây trồng. Ảnh: Thu Hiền
Đại biểu Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị, đối với các đập tạm đã bị mặn xâm nhập thì nên cho xả ra ngoài. Đề nghị tỉnh có đánh giá đúng thiệt hại từng vùng, địa phương, lĩnh vực để có cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ sau hạn mặn; đồng thời, xem xét gói kích cầu sớm để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Võ Thanh Tùng, đơn vị huyện Châu Thành cho rằng, để thực hiện có hiệu quả hơn công tác phòng chống hạn mặn, đề nghị tỉnh bổ sung một số giải pháp như: có chính sách hỗ trợ nông dân chăm sóc, phục hồi cây trái sau hạn mặn. Tháo dỡ đập tạm trên các sông Ba Lai để tránh ô nhiễm môi trường, tạo thông thoáng hơn cho dòng nước ra vào khi cần thiết. Đồng thời, đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre. Quan tâm hỗ trợ Châu Thành tiếp tục xây dựng hệ thống cống khép kín dọc theo sông Tiền để đảm bảo nước ngọt.
Đại biểu Nguyễn Văn Bé Tư, đơn vị huyện Bình Đại đề nghị, tổ chức vận hành các cống ven đê sông Tiền vì hiện đã hoàn thành một số cống, còn nhiều cống chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mặt khác, quy định đóng mở cống cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương thật cụ thể, tránh tình trạng khi cần thì không mở, khi không cần thì mở. Về giải pháp lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước ngọt trong huyện với quy mô lớn để ứng phó hạn mặn.
Theo đại biểu Lê Thị Hoàng Oanh, đơn vị huyện Chợ Lách, trước mắt, thống nhất với giải pháp UBND tỉnh đưa ra, trong đó đặc biệt chú ý giải pháp thuộc dự án kiểm soát mặn khu vực Nam Bến Tre, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Nạo vét các trục dẫn ngọt bên trong khi triển khai các đập tạm để hạn chế ô nhiễm môi trường. Kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của HĐND tỉnh về việc đầu tư phát triển hạ tầng, vườn cây ăn trái ở một số vùng Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách. Có giải pháp bảo vệ vùng sản xuất cây trái, hoa kiểng để giữ thương hiệu cây trái đặc sản của tỉnh.
Đại biểu Phạm Thanh Hùng, đơn vị huyện Ba Tri đề xuất, cần có các giải pháp lâu dài hơn như dự án quản lý nước Bến Tre. Ngoài ngăn chặn triều cường, còn kiểm soát 204.270ha đất của 9 huyện, thành phố. Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo đưa vào hoạt động cống Xẻo Rắn, Trung Du để khép kín nguồn nước từ thượng nguồn Giồng Trôm. Sớm thực hiện hồ chứa nước ngọt thứ hai của Ba Tri đó là khu Lạc Địa khoảng 100ha.
“Về lâu dài, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó như: tích trữ tối đa khi có nguồn nước ngọt, tận dụng các dụng cụ chứa nước, đắp đập tạm, bờ bao cục bộ để trữ ngọt... Ưu tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: các công trình của Dự án JICA 3; các hạng mục còn lại của Dự án Nam - Bắc Bến Tre, nhất là gia cố hệ thống đê ven sông; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển. Các doanh nghiệp cung cấp nước đầu tư thêm hệ thống lọc nước RO, có giải pháp tích trữ nước ngọt.
Khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập)
|
Hữu Hiệp