Phong Nẫm thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo

29/03/2019 - 08:48

BDK - Năm 2014, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm được Ban Chỉ đạo giảm nghèo - giải quyết việc làm (Ban Chỉ đạo giảm nghèo) tỉnh chọn là xã điểm trong công tác giảm nghèo. Qua sàng lọc số hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo trên địa bàn, địa phương đã chọn 24 hộ để đưa vào Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững (Đề án sinh kế) và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp như nuôi dê, nuôi bò sinh sản. Đến nay, các mô hình đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Nuôi dê sinh sản giúp hộ ông Nguyễn Ngọc Nghĩa thoát nghèo vào năm 2018.

Nuôi dê sinh sản giúp hộ ông Nguyễn Ngọc Nghĩa thoát nghèo vào năm 2018.

Cấp ủy, chính quyền vào cuộc

Thực hiện Kế hoạch số 544 của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã nhanh chóng vào cuộc rà soát, chọn đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện thoát nghèo để đưa vào Đề án sinh kế. UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo và thành lập 7 tổ công tác trực tiếp xuống 66/66 tổ nhân dân tự quản của 3 ấp để khảo sát, nắm tâm tư, nguyện vọng của từng hộ và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Đề án sinh kế.

Song song đó, địa phương đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức mở 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi bò, dê và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chất thải trong chăn nuôi, kỹ thuật cắt may công nghiệp cho các hộ tham gia đề án với các mô hình như nuôi dê sinh sản (9 hộ tham gia), nuôi bò sinh sản (9 hộ tham gia), may dệt (5 hộ tham gia). Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đã giao trách nhiệm cho Hội Nông dân xã theo dõi, hỗ trợ mô hình nuôi dê sinh sản, Hội Cựu chiến binh xã theo dõi, hỗ trợ mô hình nuôi bò sinh sản và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã theo dõi, hỗ trợ mô hình may dệt công nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia xã Bùi Thành Hiếu cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, Đề án sinh kế được triển khai thực hiện khá thành công, góp phần kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đưa xã tiến lên đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2019. Hiện Phong Nẫm đang tập trung hoàn thành tiến độ các công trình của hai tiêu chí số 2 - giao thông và tiêu chí số 6 - về cơ sở vật chất văn hóa.

15 hộ thoát nghèo

Theo bà Trần Thị Ngọc Bền - cán bộ giảm nghèo xã, trong ba mô hình được xây dựng thì mô hình nuôi dê sinh sản do Hội Nông dân xã theo dõi, hỗ trợ đã thật sự phát huy hiệu quả. Nhiều hộ tham gia mô hình này đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định và đã chuyển vốn xoay vòng cho các hộ nghèo, cận nghèo khác làm sinh kế. Cụ thể như hộ ông Nguyễn Ngọc Nghĩa - ấp Giồng Sậy, tham gia Đề án sinh kế, ông Nghĩa được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua nuôi 2 con dê sinh sản, đến nay, tổng dàn dê của ông có đến 18 con (8 con dê sinh sản). Ông Nghĩa cho biết: “Nhờ tham gia Đề án sinh kế mà gia đình tôi đã cải thiện được đời sống. Tôi vừa mới cưới vợ cho con trai và xây dựng được căn nhà kiên cố”.

Tính đến thời điểm này, từ 24 hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án sinh kế của địa phương, các mô hình còn được nhân rộng, xoay vòng vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn xã, nâng tổng số hộ được hỗ trợ vốn làm sinh kế lên 31 hộ. Trong đó, có 15 hộ thoát nghèo bền vững, 15 hộ chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo và còn 1 hộ nghèo do gặp rủi ro trong chăn nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Nguyễn Hồng Linh cho biết, hiện Đề án sinh kế của xã đang chuyển sang giai đoạn II (giai đoạn 2017 - 2020), địa phương cũng đã kiến nghị nâng mức hỗ trợ vốn cho các hộ tham gia đề án từ 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ. Vì thực tế hiện nay, giá dê đang có chiều hướng tăng cao, bà con rất an tâm chăn nuôi và giá dê giống cũng tăng theo.

“Qua các mô hình xây dựng để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo làm sinh kế thì mô hình nuôi dê sinh sản rất có hiệu quả vì con dê rất dễ chăm sóc và khả năng tăng đàn nhanh, bà con xoay vòng vốn hiệu quả hơn”, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN