Phú Hưng tất bật rau màu cho mùa Tết

31/12/2012 - 07:54

Theo sự dẫn đường của chị cán bộ tại UBND xã Phú Hưng (TP. Bến Tre), chúng tôi đến nhiều gia đình sản xuất rau màu ở ấp Phú Hữu, Phú Chiến nhưng chỉ nghe tiếng chó sủa cùng ổ khóa treo im lìm trước ngõ. Chúng tôi len lỏi bờ ruộng, cầu be nhỏ ra đến tận chỗ làm của bà con. Tại ấp Phú Hữu, bà con đang tất bật bón phân, làm cỏ, tưới nước cho cây rau màu kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng cho biết: “Toàn xã có 167,4 hecta đất chuyên trồng rau màu, tập trung ở các ấp Phú Hữu, Phú Hào, Phú Tự, Phú Chiến, Phú Thành, riêng Phú Chánh người dân buôn bán là chính”. Trong đó, một số diện tích bà con sản xuất vụ Tết; phần còn lại, bà con đợi thời vụ ra Giêng. Anh Võ Hoàng Em, trồng rau màu ở ấp Phú Chiến, cho biết: “Phải chia đất ra làm, chứ chỉ canh dịp Tết thì không ăn nổi, giá rau màu dịp Tết có năm được, có năm cũng rớt đậm. 3 công đất gia đình đã lên làm giồng, chờ khoảng một tuần nữa cho xuống đậu cô-ve và bí để bán khi ra giêng. Trong chợ Tết, các món này vô phương bán”. Cô Bùi Thị Ương sản xuất rau màu ấp Phú Hữu, ngừng công việc đang còn dở dang cho biết: “Đa số bà con ở đây xuống giống bán đợt Tết, chủ yếu là khổ qua. Hộ chú Chín Đua sản xuất cả mẫu đất khổ qua, dịp Tết sẽ thu hoạch. Cô cho biết thêm: “Gia đình có 2 công khổ qua được 8 ngày tuổi, sau khi tưới phân, cây sẽ phát triển nhanh hơn. Độ khoảng 15, 20 tháng Chạp sẽ có khổ qua để bán”.

Theo cô Ương, khổ qua từ ngày bỏ hột đến thu hoạch chỉ một tháng mấy ngày, tùy theo cách chăm sóc. Đa số bà con đã xuống giống được 10 ngày trở lại để chuẩn bị cho chợ Tết Quí Tỵ. Về việc đụng hàng, không có đầu ra, cô Ương tâm sự: Bạn hàng chuyển rau màu đi nhiều nơi, có khi tận Cà Mau, nên không sợ dư thừa mà chỉ lo giá cả cao hay thấp. Được mùa mất giá là chuyện thường tình. Anh Võ Hoàng Em,  ở ấp Phú Chiến cũng sản xuất khổ qua để bán Tết, tâm sự: “Biết đụng hàng bị ép giá nhưng trồng các loại khác sẽ ế nhệ, không người mua. Dịp Tết, nhu cầu khổ qua nhiều, có thể bán chợ hai, ba ngày sau khi cắt còn được; đậu cô-ve hay dưa leo sẽ không bán được nếu chợ chậm. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay tôi chỉ trồng khổ qua”. Anh Hoàng Em chia sẻ: “ Muốn cho khổ qua tốt, trái nhiều, người trồng phải chăm sóc kỹ, tưới nước mỗi ngày hai lần, đến 20 ngày tuổi thì bón phân, xịt thuốc để kích thích ra nhiều trái, phát triển tốt, không sâu hại. Đến lúc dây khổ qua bò, phải bắc kèo sửa ngọn lên giàn. Tốn công tỉ mỉ nhưng không nặng nhọc”.

Bà con ở Phú Hưng bỏ công chăm sóc rau màu, không ngại nắng cháy đen da, chỉ hy vọng gặp thuận lợi khi thu hoạch, được mùa được giá, kinh tế ổn định để gia đình đón năm mới ấm no, đủ đầy và hạnh phúc.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN