Phụ huynh và học sinh nói gì trước khi chọn môn thi?

09/03/2014 - 16:28

Các trường tập trung tư vấn cho học sinh trước khi đăng ký môn thi. Ảnh: P.T

Cuối tháng 2-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ra thông báo về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Theo đó, bắt đầu từ ngày 17-3, học sinh các trường sẽ đăng ký môn thi. Ngoài 2 môn bắt buộc, Toán và Ngữ văn, học sinh sẽ đăng ký 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Dù có nhiều thay đổi nhưng một số phụ huynh và học sinh vẫn còn lo lắng.

Như vậy, từ thi tốt nghiệp THPT 6 môn nay giảm xuống còn 4 môn, với 2 môn chính thức là Toán, Ngữ văn và 2 môn do học sinh tự chọn. Dù đã ra thông báo về kỳ thi nhưng cho đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Vì vậy, các trường THPT cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Chúng tôi đã trao đổi với một số phụ huynh về những thay đổi của kỳ thi năm nay. Chị Nguyễn Thị Vúng, có con đang học lớp 12 Trường THPT Ca Văn Thỉnh, cho biết: Qua tìm hiểu cũng như nghe cháu về nói lại, tôi thấy sự thay đổi này là hợp lý và tôi rất đồng tình. Bởi ngoài 2 môn bắt buộc thì cháu sẽ được chọn 2 môn. Như vậy, cháu sẽ có quyền chọn môn thi theo sở thích và năng lực của mình; nhờ đó áp lực kỳ thi sẽ giảm nhiều và kết quả sẽ cao hơn. Các cháu có thời gian tập trung cho kỳ thi đại học vì thi đại học, cao đẳng năm nay cũng có nhiều thay đổi. Cùng tâm trạng với chị Vúng là chị Bùi Thương, có con đang học tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tâm sự: Tôi rất muốn định hướng để con mình thi môn Tiếng Anh. Nhưng theo cháu trình bày thì trước nay thi Tiếng Anh chỉ có trắc nghiệm, nay lại thêm viết tự luận, mà kỹ năng này cháu còn yếu nên đành hướng con chọn môn thi khác. Vậy chị sẽ hướng cháu chọn Lịch sử hay Địa lý? - chúng tôi hỏi. Tôi sẽ động viên cháu chọn thi môn Địa lý. Bởi với môn Địa lý, thí sinh có thể sử dụng Atlas, nắm được đặc điểm tự nhiên của từng vùng là có thể làm bài được. Trong khi môn Lịch sử lại quá nhiều sự kiện, ngày tháng năm diễn ra sự việc, các cháu phải nắm chính xác, phải học thuộc lòng, nên cháu sẽ không chọn môn thi này.

Em Phạm Văn Lấy, học sinh lớp 12/1 Trường THPT Phan Liêm, cho biết: Với những thay đổi của kỳ thi năm nay, chúng em rất mừng, bởi giảm được 2 môn và bản thân em lại được chọn 2 môn thi phù hợp với khả năng học tập của em trong 3 năm học THPT. Em Lấy dựa vào sức học của mình cùng với khối thi đại học đã đăng ký, chọn thi tốt nghiệp THPT với 2 môn Vật lý và Hóa học. “Chọn môn thi này là em làm cùng lúc 2 việc: vừa ôn tập thi tốt nghiệp, vừa chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Bởi năm nay, các trường đại học có nhiều thay đổi trong thi tuyển đầu vào” -  em Lấy nói.

Ngược lại với Lấy, em Trần Thị Thanh Tuyền, học sinh lớp 12/5 cùng trường lại chọn thi môn Lịch sử và Địa lý. Tuyền tâm sự: Học lực của em chỉ ở mức trung bình, trong khi xếp loại tốt nghiệp năm nay còn phải dựa vào kết quả học tập của năm học lớp 12. Vì vậy, để nâng mức xếp loại, em phải chọn môn thi học bài, với hy vọng sẽ đạt điểm thi cao.

Theo đa số hiệu trưởng các trường, cái khó hiện nay là việc tổ chức hội đồng coi thi. Bởi giảm môn thi nhưng thực chất là phải tổ chức thi cho cả 8 môn. Do đó, sẽ có buổi học sinh phải thi đến 2 môn và xảy ra tình trạng có phòng thi ít thí sinh so với qui định, vì phải theo nhu cầu thực tế mà học sinh đã đăng ký.

Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN