Phụ nữ Châu Thành khởi nghiệp, thoát nghèo

29/06/2020 - 06:52

BDK - Trên hành trình khởi nghiệp chung của quốc gia, không thể thiếu vắng “một nửa của thế giới” - phụ nữ. Tại huyện Châu Thành, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công, góp phần khai thác tốt tài nguyên bản địa.

Các sản phẩm được chế biến từ bưởi da xanh của chị Huỳnh Thanh Nhàn.

Các sản phẩm được chế biến từ bưởi da xanh của chị Huỳnh Thanh Nhàn.

Chị Huỳnh Thanh Nhàn, ấp Bình An, xã Tường Đa, huyện Châu Thành đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị bưởi da xanh Bến Tre với thương hiệu cơ sở “Bưởi 6 Thương”. Cơ sở đã có các sản phẩm chế biến từ bưởi da xanh cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu… Một số chị em ở địa phương còn nhận vỏ bưởi của cơ sở chị Nhàn về chế biến, thu nhập bán thời gian trên 2 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống. “Trong thời gian tới, tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm, tiếp tục theo đuổi sản phẩm hỗ trợ sức khỏe người tiêu dùng và hướng đến nghiên cứu sản xuất các loại mỹ phẩm từ bưởi da xanh như tinh dầu bưởi, mặt nạ dưỡng da” - chị Nhàn cho biết.

Trái cây là loại sản phẩm quen thuộc nhưng ít ai nghĩ tới việc sử dụng nguyên liệu này để chế biến thành một loại rượu thơm ngon. Bởi hương vị độc đáo, thơm nồng của loại rượu trái cây được ủ kín và lên men tự nhiên bằng quy trình thủ công khá độc đáo. Đó chính là thành công từ mô hình khởi nghiệp của chị Lý Thị Hiền, xã An Hóa, huyện Châu Thành. Năm 2017, chị Lý Thị Hiền tự mày mò, nghiên cứu quá trình ủ kín, lên men các loại trái cây như: bưởi, ổi, ô môi, trái quách, nha đam, nhãn… để làm rượu.

Để sản xuất các loại rượu trái cây, chị Lý Thị Hiền đã tự nghiên cứu về quy trình và phương pháp lên men trái cây với nguyên liệu chủ yếu là trái cây, đường tinh luyện, rượu nếp, sao cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa chắt lọc tinh chất trái cây, vừa tạo ra một thức uống thơm ngon và tốt cho sức khỏe.

Chị Hiền cho biết, làm rượu trái cây lên men tự nhiên không khó. Muốn rượu ngon, có màu sắc đẹp thì chọn những trái cây chín đều, không bị dập; thời gian lên men tối đa 3 - 6 tháng mới chiết xuất ra rượu. Theo kinh nghiệm của chị Hiền, rượu trái cây càng để lâu càng thơm ngon và có màu sắc rất đẹp. Hiện nay, sản phẩm rượu trái cây lên men của chị Lý Thị Hiền được đóng chai, in nhãn mác và được nhiều người ưa thích. Giá mỗi lít rượu từ 150 - 180 ngàn đồng.

“Với mong muốn khởi nghiệp thành công, tôi đã đưa sản phẩm tiếp cận thị trường trên nhiều phương tiện như: bán online thông qua Facebook, Zalo, tham gia các hội chợ để kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm. Trong thời gian tới, tôi sẽ chú trọng mẫu mã, nhãn mác, tăng cường liên kết với các trạm dừng chân, các điểm du lịch để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”, chị Hiền cho biết.

Chị Trần Thị Thu Hồng, ấp Phú Ninh, xã Phú Đức đưa trái chôm chôm vươn xa trên thị trường với mặt hàng “mứt chôm chôm Cô Chín”, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Chị Hồng cho biết: Bài toán “được mùa mất giá” luôn là nỗi trăn trở của người dân địa phương. Qua tìm hiểu, tôi được biết trái chôm chôm có giá trị dinh dưỡng cao nên quyết định từ bỏ con đường du học để sản xuất mứt chôm chôm. Khởi nghiệp với 6 tấn mứt đầu tiên, sau khi trừ tất cả chi phí, tôi còn lời 40 triệu đồng. Đến nay, trung bình một tháng, tôi sản xuất từ 1 - 2 tấn mứt, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho 7 - 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành Nguyễn Thị Kim Thu cho biết: Để giúp phụ nữ khởi nghiệp, hàng năm, các cấp hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chương trình, nguồn lực có liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp cho cán bộ hội và hội viên. Hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn giúp chị em tự tin xây dựng dự án, phương án, thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, tổ chức thành công các buổi trưng bày, giới thiệu, quảng bá để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm hàng hóa do hội viên, phụ nữ sản xuất; biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi… Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ; nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ xứ Dừa.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp bằng những việc làm thiết thực. Hội tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về phụ nữ khởi nghiệp, giới thiệu, tuyên dương những gương phụ nữ khởi nghiệp thoát nghèo để chị em phụ nữ học tập; phát động phụ nữ các xã, thị trấn hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tiếp tục phối hợp đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với chị em phụ nữ để phát triển kinh tế. Phát động khơi dậy tinh thần khởi nghiệp để tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp.

(Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành Nguyễn Thị Kim Thu)

Bài, ảnh: Trúc Lan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích