
Phụ nữ thực hành phân loại rác tại hộ gia đình. Ảnh: T.Đồng
Chất xúc tác trong gia đình
Trước tình trạng rác thải nylon gây ô nhiễm môi trường, qua truyền thông về tác hại của rác thải nhựa, nhiều phụ nữ đã tác động, làm thay đổi thói quen của gia đình mình. Như hộ chị Nguyễn Thị Ngọc Lan ở Phường 4, TP. Bến Tre đang thực hành phân loại rác tại gia đình, các loại túi nylon đựng thực phẩm được chị giặt sạch, giữ lại để tái sử dụng, các loại chai nhựa được giữ lại, để riêng ra bán phế liệu. Từ ngày thấy truyền thông đưa tin nhiều về tác hại của rác thải nhựa, chị cùng với các chị em trong nhóm bạn chơi thân rủ nhau hạn chế rác thải nhựa. Trong mua sắm, đi chợ, chị cũng tự mang theo giỏ xách, sắm cho hai con mỗi đứa một cái bình nước để bớt dùng ly nhựa và ống hút nhựa. “Mình thay đổi để BVMT cũng là bảo vệ sức khỏe của con cháu mình, gia đình mình”, chị Ngọc Lan chia sẻ.
Hay như ở gia đình bà Lê Thị Coi, ấp An Thạnh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, hưởng ứng phong trào xây hố phân loại rác tại nhà do địa phương phát động, hộ bà là một trong những hộ tiên phong, thực hiện đầu tiên. Thấy gia đình bà Coi gương mẫu thực hiện và thực hiện mô hình có hiệu quả, nhiều bà con trong xóm cũng mạnh dạn làm theo.
Chính những người phụ nữ khi ý thức được những tác hại của vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là những người đầu tiên khởi xướng thay đổi hành vi, thói quen để bảo vệ sức khỏe và chăm sóc cho gia đình mình. Từ đó, thói quen, nếp sống của những thành viên khác trong gia đình cũng sẽ chịu tác động và thay đổi theo.
Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ: “Người phụ nữ có vai trò như là chất xúc tác để vận động các thành viên trong gia đình tham gia các phong trào, phần việc chung của địa phương, góp phần chủ yếu trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.
Những hành động cụ thể
Xác định phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng của công tác BVMT, lãnh đạo Hội LHPN cấp trên chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều hoạt động để vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tiêu chí số 17 về môi trường được giao cho hội phụ nữ và các đoàn thể giữ vai trò chủ chốt tuyên truyền, vận động. Từng cơ sở, tổ chức hội phụ nữ đã phát động rộng rãi trong hội viên các phong trào BVMT, góp phần thực hiện tiêu chí số 17. Có thể kể đến phong trào thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải”, “Xách giỏ đi chợ” và các mô hình “Biến rác thành tiền”, “Thùng xanh chứa nước sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Hố xí tự hoại”…
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Ái Hòa cho biết: “Hàng năm, Hội LHPN tỉnh có xây dựng chuyên đề riêng để tuyên truyền nâng cao ý thức hội viên và chị em phụ nữ trong việc BVMT. Năm nay, Dự án Wubo 2 (kỳ 2 của Dự án Nước sạch và vệ sinh môi trường) sẽ triển khai ở các xã xây dựng nông thôn mới với các hoạt động tập trung vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng hố xí hợp vệ sinh và các công trình nước sạch”.
Theo bà Võ Ái Hòa, công tác BVMT của hội phụ nữ các cấp thời gian qua có những kết quả đáng khích lệ, nhận thức của chị em phụ nữ có chuyển biến. Hướng tới, các cấp hội sẽ tập trung hơn nữa cho công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đi sát cơ sở. Hội LHPN tỉnh sẽ mở cuộc truyền thông lồng ghép các chủ đề “An toàn cho phụ nữ với trẻ em”, “Kỹ năng sống cho nam nữ thanh niên trong khu công nghiệp” với việc BVMT. Đồng thời, tổ chức tọa đàm, kịch tương tác để bàn các giải pháp nâng cao ý thức BVMT trong cộng đồng. Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình thật sự hiệu quả như: mô hình “5 không, 3 sạch” tại xã điểm An Phú Trung và mô hình “Biến rác thành tiền” của phụ nữ xã An Thủy (Ba Tri).
Thanh Đồng - Phan Hân