Phụ nữ tự tin khởi nghiệp

12/10/2022 - 17:30

BDK.VN - Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã đi hơn nửa chặng đường. Có 205 ý tưởng do phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp được ghi nhận, trao giải. Các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thúc đẩy chị em mạnh dạn khám phá giá trị của bản thân. Từ đó, giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Một số sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ huyện Châu Thành.

Một số sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ huyện Châu Thành.

Điểm sáng Châu Thành

Châu Thành là huyện có nhiều phụ nữ mạnh dạn thực hiện ý tưởng, bày tỏ với mọi người thông qua các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và đạt nhiều kết quả phấn khởi. Hiện huyện có 47.193 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Số hội viên Hội LHPN 26.214 người; trong đó, có 477 hội viên là phụ nữ nghèo.

5 năm gần đây, cuộc thi viết ý tưởng khởi nghiệp do huyện, tỉnh, khu vực và Trung ương tổ chức đã được hội viên Hội LHPN huyện tích cực tham gia. Kết quả, có 107 ý tưởng dự thi, trong đó 1 dự án được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao giải dự án khởi nghiệp với biến đổi khí hậu. 2 ý tưởng được trao giải cao cấp khu vực do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. 11 dự án/ý tưởng được Hội LHPN tỉnh chọn xếp hạng và trao giải, 15 ý tưởng đạt giải cấp huyện.

Trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các cơ sở hội tại huyện Châu Thành đã có những hoạt động thiết thực. Cụ thể, hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất, kinh doanh, đã hỗ trợ 15 mô hình khởi nghiệp, 210 phụ nữ khởi nghiệp với các mô hình như dệt thảm, đan giỏ lục bình, đan ghế nhựa, đan bội kẽm, đan lục bình, làm khô, chăn nuôi, buôn bán... Các cấp hội tham gia phối hợp vận động nữ tham gia hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện có 521 phụ nữ tham gia 12 hợp tác xã (12 hợp tác xã có tổng số 1.754 thành viên), trong đó có 15 nữ tham gia trong Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Ban quản lý.  Phụ nữ còn được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình tài chính vi mô... Nhờ đó, 5 năm qua, có 560 phụ nữ (làm chủ hộ) ở huyện Châu Thành đã thoát nghèo.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tại Châu Thành, qua 5 năm thực hiện đề án đã giúp phụ nữ vượt qua những rào cản về mặt tâm lý để phát huy tiềm năng của bản thân. Nhiều hội viên, phụ nữ đã thay đổi được nhận thức, khơi dậy sức sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Tự tin khởi nghiệp

Hàng năm, Hội LHPN huyện Châu Thành phát động “Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”. Có 205 ý tưởng tham gia dự thi (cấp Trung ương 40, tỉnh137, huyện 26). Kết quả, có 1 dự án được Trung ương Hội chọn vào vòng thuyết trình và 14 dự án/ý tưởng được Hội LHPN tỉnh chọn vào vòng chung kết xếp hạng và trao giải. Riêng năm 2022, có 90 ý tưởng/dự án, mô hình khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực tham dự và ban tổ chức đã chọn ra 5 dự án/ý tưởng/mô hình tiêu biểu để trao thưởng.

Các hoạt động “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và kết nối doanh nghiệp”, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình số 10-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động “ngày hội” giúp phụ nữ hiện thực hóa các dự án/ý tưởng có tính sáng tạo, mang tính khả thi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Sau khi sơ kết giai đoạn I (2017 - 2021), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bước vào giai đoạn II (2021 -  2025). Từ thực tiễn hoạt động của giai đoạn 1, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh rút ra một số kinh nghiệm: Hàng năm, cần xây dựng kế hoạch thực hiện đề án sát hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên cơ sở nắm chắc số liệu và nhu cầu của hội viên, phụ nữ. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo.

Cần có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy được vai trò của người đứng đầu. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ về cơ sở pháp lý, vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và tìm đầu ra, đầu vào ổn định, nhất là làm trung gian kết nối, liên kết các doanh nghiệp, khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Chọn mô hình thí điểm và kịp thời sơ, tổng kết kết quả thực hiện đề án, đánh giá sát tình hình, rút kinh nghiệm và nhân rộng, hỗ trợ các cách làm hay, ý tưởng tốt, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và các cá nhân tiêu biểu để đề án khởi nghiệp trở thành văn hóa khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích