Phú Phụng tích cực ứng phó với hạn mặn

26/02/2020 - 07:25

BDK - Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Chợ Lách tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. So với năm 2016, độ mặn cao hơn và xâm nhập sâu hơn. Một số địa phương trong huyện như Phú Phụng trước nay chưa từng bị ảnh hưởng của nước mặn thì nay phải gồng mình để ứng phó.

Cán bộ Hội Nông dân xã nắm tình hình mặn xâm nhập tại vườn hộ dân.

Cán bộ Hội Nông dân xã nắm tình hình mặn xâm nhập tại vườn hộ dân.

Xà xã tuyến đầu của huyện Chợ Lách, Phú Phụng nằm bên 2 con sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, trước đây nước ngọt quanh năm, nhưng hiện đã bị nước mặn xâm nhập. Trên nhánh sông Hàm Luông, địa phận xã Phú Phụng, độ mặn cao nhất được ghi nhận gần 2%o vào đầu tháng 2-2020. Rất may, độ mặn trên nhánh sông Cổ Chiên thấp hơn, chỉ dao động dưới 0,3%o.

Tuy tình hình thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất chưa nghiêm trọng như các xã tuyến dưới của huyện nhưng chính quyền và người dân xã Phú Phụng cũng đã chủ động và nỗ lực thực hiện các phương án ứng phó với hạn mặn để bảo vệ hơn 700ha diện tích trồng cây ăn trái, chủ yếu là chôm chôm - loại cây trồng đặc sản của địa phương nhưng rất mẫn cảm với nước mặn.

Trước nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã đã phân công thành viên đến các ấp nắm tình hình và hướng dẫn bà con các biện pháp ứng phó. Hàng ngày tổ chức đo độ mặn tại các điểm trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên để thông tin kịp thời cho bà con thông qua hệ thống truyền thanh của xã và tổ thông tin các ấp. Ngoài ra còn tổ chức điểm đo độ mặn miễn phí cho bà con tại UBND xã.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Tấn Truyền cho biết: “Đến thời điểm này, nước mặn đã gần như bao phủ toàn bộ diện tích của xã, đặc biệt là 2 ấp Phụng Đức A và Phụng Đức B, độ mặn trên 1%o; 3 ấp còn lại độ mặn còn trong giới hạn cho phép. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã kết hợp với trưởng các ấp tiến hành kiểm tra hệ thống kênh rạch và các cống lớn trên địa bàn, vận động người dân nạo vét mương vườn để trữ nước và hướng dẫn làm nắp cống trong - ngoài; cử cán bộ đi đo độ mặn thường xuyên để thông báo trên đài truyền thanh và tổ chức thông tin lưu động 5/5 ấp về ứng phó hạn mặn”.

Lần đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tuy có bất ngờ nhưng nhờ sự cảnh báo và khuyến cáo từ trước của ngành chức năng nên nông dân trong xã đã hành động ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại. Trữ nước trong mương vườn và tưới tiết kiệm là 2 giải pháp được nhà vườn áp dụng đạt hiệu quả tốt.

Câu chuyện về hạn mặn đã trở thành chủ đề nóng được nhiều nhà vườn trong xã thảo luận hiện nay. Nhiều hộ bàn nhau làm nắp cống trong và ngoài ở các cống lớn để chủ động trong việc dự trữ nước ngọt trong mương vườn. Bà Dương Thị Út ở ấp Phụng Đức B có 5.000m2 đất trồng chôm chôm đang giai đoạn cho trái, rất cần nước ngọt để cung cấp cho quá trình nuôi trái. Tuy nhiên, nước trong mương vườn đã nhiễm mặn ở mức độ nhẹ, nên bà luôn thận trọng trong việc tưới tiêu. Bà Út cho biết: “Năm nay nước mặn đã lên tới đây rồi, bà con ráo riết vét mương vườn, hợp sức gia cố cống đập cho vững chắc, làm 2 nắp cống trong - ngoài, khi độ mặn giảm tới mức sử dụng được thì mở nắp cống cho nước vào, còn khi độ mặn tăng thì đóng lại. Nếu hạn mặn kéo dài thì chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư làm cống đập tại các kênh rạch lớn để trữ nước tưới vườn được lâu dài”.

Xã Phú Phụng đang tập trung huy động mọi nguồn lực đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Bài, ảnh: Việt Cường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN