|
Chăn nuôi dê đang là mô hình có hiệu quả cho hộ nghèo trên địa bàn. |
Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa nghị quyết Đại hội bằng Kế hoạch số 25, ngày 10-12-2015 nhằm hưởng ứng Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy về Đồng khởi mới, Chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 612 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, Phú Vang xác định mục tiêu là đẩy mạnh Đồng khởi thoát nghèo.
Bà Trần Thị Thu An - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, củng cố Ban vận động các ấp, tổ chức nhiều hoạt động hướng về người nghèo như tọa đàm, đối thoại, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề, điều tra nắm chắc về hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Trong những năm qua, nhiều dự án, tiểu dự án của các ngành, các cấp trong huyện và tỉnh đã hỗ trợ rất tích cực, giúp đỡ có hiệu quả cho hộ nghèo trên địa bàn như Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ cho địa phương xây dựng hai công trình giao thông nông thôn (2 tuyến đường cấp C) với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng; đầu tư hỗ trợ con giống cho chăn nuôi bò sinh sản với 16 hộ tham gia. Các nguồn vốn hỗ trợ khác như Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ 10 con bò, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông qua gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Khánh hỗ trợ 8 con bò sinh sản, tiểu dự án dê sinh sản của Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ cho 23 hộ nghèo… Tất cả các dự án, tiểu dự án tạo sinh kế, thoát nghèo cho người dân đang phát huy hiệu quả. Nhiều tiểu dự án đã chuyển giao con giống cho các hộ nghèo liền kề.
Ngoài các dự án, tiểu dự án mà các ngành, các cấp hỗ trợ trong những năm qua, địa phương đã xây dựng 5 tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm cho hộ nghèo. Năm 2017, qua điều tra, xã đã có danh sách 36 hộ tham gia Đề án sinh kế, thoát nghèo. Đây là những hộ nghèo có điều kiện, có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Nói về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tại địa phương, hơn một năm qua cũng đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như tổ hợp tác may túi nhựa tự hủy của Dự án AMD Bến Tre, cơ sở sản xuất bong bóng cá...
Xã Phú Vang có 4 ấp với gần 1.200 hộ, gần 5.000 nhân khẩu. Đời sống chính của bà con nơi đây bằng nghề làm vườn và nuôi trồng thủy sản. Đầu năm 2017, xã Phú Vang được công nhận xã bãi ngang. Bà Trần Thị Thu An cho rằng, điều này rất cần thiết để giúp địa phương có thêm nguồn kinh phí (chính sách dành cho xã bãi ngang) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giúp Phú Vang sớm thoát ra khỏi xã nghèo.
Giai đoạn 2010 - 2015, Tỉnh ủy đã có chủ trương quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để các xã khó khăn, nghèo trong tỉnh có điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống của người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Xã Phú Vang, huyện Bình Đại là xã được chọn hỗ trợ do có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì của tỉnh với hơn 21%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án trồng mãng cầu xiêm xen trong vườn dừa tại xã Phú Vang. Tuy nhiên, dự án không hiệu quả sau hơn 2 năm triển khai do tỷ lệ sống của cây trồng dưới 10%, Phú Vang vẫn còn 254 hộ nghèo.
|