Phương án ứng phó với dịch tả heo châu Phi

03/04/2019 - 06:59

BDK - Dự báo cho hàng loạt vấn đề cần phải ứng phó trong trường hợp xấu nhất là xảy ra dịch tả lợn (heo) châu Phi (mặc dù dịch bệnh này chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh), ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh muốn các ngành chức năng, các địa phương phác thảo một đề cương, vạch rõ nhiệm vụ của đơn vị mình nhằm ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Đoàn kiểm tra liên ngành về việc giết mổ, buôn bán thịt heo, heo giống trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành về việc giết mổ, buôn bán thịt heo, heo giống trên địa bàn.

Nguy cơ cao Dịch bệnh

Dịch tả heo châu Phi là vi-rút gây sốt xuất huyết với tỷ lệ chết 100% đối với heo nhiễm bệnh. Hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và vi-rút này không lây nhiễm sang người. Trong trường hợp xấu nhất là xảy ra dịch tả heo châu Phi, kinh tế tỉnh nhà sẽ chịu thiệt hại rất lớn.

Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 9-2018 đến 1-2019), tổng đàn heo toàn tỉnh đã giảm khoảng 80 ngàn con. Dịch bệnh lở mồm long móng vừa qua đã gây tổn thất đáng kể cho đàn heo. Tuần qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi thông tin dịch bệnh lở mồm long móng đã “hoàn toàn được kiểm soát, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn”. Tin vui chưa kịp mừng thì dịch tả heo châu Phi đã đến miền Trung.

Nhận định về tình hình dịch tả heo châu Phi, ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn hôm 27-3-2019: “Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 22 tỉnh và chưa dừng lại. Đã có trên 69 ngàn con heo phải tiêu hủy và bệnh có dấu hiệu tiếp tục lây lan tiệm tiến vào miền Nam, hiện đã đến miền Trung (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhiều khả năng là dịch bệnh sẽ đến miền Nam. Việc lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có xảy ra là rất cấp bách”.

“Do đây là bệnh mới chưa đưa vào danh mục công bố dịch, do đó thực hiện theo kế hoạch ứng phó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Công điện số 1194 cũng như Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn tất kế hoạch ứng phó dự kiến đến 3 năm (2018 - 2020), riêng kế hoạch năm 2019 là 4,9 tỷ đồng, số tiền này đã được tỉnh cấp để hoạt động. Các huyện đã ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh này, chỉ còn TP. Bến Tre đang trình” - ông Trần Quang Thái cho biết thêm.

Lây qua Vận chuyển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả heo châu Phi lây lan chủ yếu do tác động của con người, nhất là qua các phương tiện vận chuyển, giao thương, không thể kiểm soát triệt để được; mầm bệnh dịch tả heo châu Phi rất có thể vào Bến Tre bằng con đường này. Mối nguy hiểm không chỉ từ con đường vận chuyển heo trái phép vào tỉnh mà còn từ chất thải của heo nhiễm bệnh như phân, nước tiểu của heo có thể rơi vãi trên đường trong lúc vận chuyển, vi-rút theo đó bám lên xe cộ, lên giày dép, người đi đường rồi lan truyền ra… 

Không cho heo nhập lậu vào tỉnh là biện pháp căn cơ trước mắt nhằm bảo vệ đàn heo tỉnh nhà.

Không cho heo nhập lậu vào tỉnh là biện pháp căn cơ trước mắt nhằm bảo vệ đàn heo tỉnh nhà.

Khó khăn lớn nhất khiến ngành chức năng e ngại trong công tác phòng chống dịch bệnh là nạn giấu dịch, không khai báo khi có heo bệnh, nạn vứt xác heo bệnh ra sông rạch. Được biết, ngày 25-3-2019, UBND tỉnh đã cấp 4,9 tỷ đồng kinh phí lập chốt và phòng chống dịch cấp tỉnh (3 chốt), kinh phí lập chốt trên địa bàn hai huyện Bình Đại (4 chốt) và Mỏ Cày Nam (1 chốt). Vừa qua, lực lượng chức năng huyện Bình Đại đã phát hiện 20 chuyến heo đi đò từ Tiền Giang qua, với trên 116 con tại chốt bến đò Bến Cát, xã Vang Quới Đông.

Trách nhiệm từng ngành

Hàng loạt các vấn đề được đặt ra: Nếu dịch diễn ra thì hỗ trợ cho dân mức độ nào; chôn ở đâu nếu có số lượng lớn heo chết; ai hướng dẫn người dân chôn lấp heo chết; xử lý hóa chất khử trùng ra sao; quy mô bao nhiêu, tính chất như thế nào mới công bố dịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh các ngành, các địa phương không được lơ là, mất cảnh giác bởi nếu có dịch xảy ra, thiệt hại là rất lớn, đặc biệt đối với người dân. Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu mỗi ngành phải chỉ ra cho rõ nhiệm vụ của mình, không để lấn cấn trách nhiệm giữa các ngành. Trước mắt là tập trung tuyên truyền “5 không” với dịch bệnh (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

“Sở Công Thương phải tổ chức các điểm bán heo sạch, an toàn đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, giúp việc tiêu thụ thịt heo tốt hơn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh là cơ quan chủ chốt phối hợp với các ngành kiểm tra chặt chẽ xe vào ra tỉnh, không để xảy ra heo nhập lậu. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, phòng, ban, huyện, xã, đặc biệt là cơ quan thú y, làm tốt công tác tham mưu, tránh tình trạng dịch bệnh bất ngờ xảy ra và lây lan. Sở Tài chính kịp thời giảm bớt thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân các chính sách hỗ trợ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đoàn đi các chốt, địa phương để kiểm tra tình hình, hướng dẫn cách xử lý khi có dịch bệnh xảy ra” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập yêu cầu.

Trong thời điểm này, nếu các ngành chức năng, địa phương không trang bị sẵn khả năng ứng phó trước mọi tình huống thì thiệt hại cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà khó lường khi có dịch bệnh xảy ra. Được biết, tuần làm việc đầu tháng 4-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình chuẩn bị nơi tiêu hủy heo chết ở một số địa phương.

Ý kiến đóng góp của một số cá nhân bên lề sự kiện về phương án ứng phó với dịch tả heo châu Phi: Các huyện, xã cần lập đoàn liên ngành kiểm soát, xử lý các lò mổ không phép, mua bán thịt heo không có dấu kiểm dịch, việc mua bán heo giống (chở bằng xe máy) bán dạo ở các chợ nông thôn, kiểm tra kể cả xe chở thực phẩm đông lạnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN