Phương Tây cân nhắc thành lập "CLB mua dầu" gây sức ép lên OPEC

13/05/2022 - 10:55

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-5, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết ông đã thảo luận về việc thiết lập một "CLB mua dầu” để gây sức ép đối với các nước thuộc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Mario Draghi gặp nhau tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 10-5. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Mario Draghi gặp nhau tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 10-5. Ảnh: AP

Theo kênh truyền hình RT, Thủ tướng Draghi nói với các phóng viên rằng ông và Tổng thống Mỹ Biden cùng chia sẻ sự “không hài lòng” với cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu và thảo luận “khái niệm chung” về giới hạn giá dầu, khí đốt.

“Cả hai chúng tôi đều không hài lòng với cách thức hoạt động của OPEC, đặc biệt là khi nói đến dầu mỏ cho Mỹ và khí đốt cho châu Âu. Giá cả không có bất kỳ mối liên hệ nào với cung và cầu”, nhà lãnh đạo phát biểu trước các phóng viên tại Washington.

“Quy định giá trần của xăng và khí đốt sẽ cắt giảm hỗ trợ tài chính mà chúng tôi đang dành cho Nga và tận dụng sức mạnh thị trường của châu Âu, đồng thời cách thức tương tự có thể được áp dụng cho dầu mỏ ở cấp độ toàn cầu”, Thủ tướng Draghi nhấn mạnh.

“Ý tưởng thành lập một liên minh mua dầu để thuyết phục các nhà sản xuất lớn, ở đây là các nước OPEC tăng sản lượng sản xuất là cách hay hơn cả”, Thủ tướng Draghi thừa nhận ý tưởng này sẽ không nhận được sự đồng thuận 100% từ Liên minh châu Âu (EU).

Trước khi bùng nổ xung đột tại Ukraine, 40% khí tự nhiên của Italy nhập khẩu từ Nga. Đối với EU nói chung, con số này xấp xỉ 45%. Hiện giới lãnh đạo Italy đang tìm các nguồn cung thay thế và vừa ký một thỏa thuận năng lượng với Algeria hồi đầu tháng. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Italy Corriere della Sera ngày 8-5, Thủ tướng Draghi cho hay: “Đa dạng hóa nguồn cung trong thời gian ít ỏi là việc làm khả thi”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thừa nhận “hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt đã mở tài khoản giao dịch bằng đồng ruble với Gazprom,” chấp nhận các điều khoản giao hàng mới mà Moskva triển khai để ứng phó trước các lệnh cấm vận của Mỹ và EU. Trước đó, nỗ lực của EU nhằm cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga đã vấp phải sự phản đối của Hungary, Séc và Slovakia.

Cho đến thời điểm này, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn từ chối yêu cầu của Mỹ và các đồng minh về việc tăng sản lượng dầu để bù đắp lệnh cấm vận của họ đối với Nga.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN