Phương Tây công bố kế hoạch 600 tỷ USD để cạnh tranh với Trung Quốc

27/06/2022 - 21:49

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã công bố kế hoạch huy động khoảng 600 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm cạnh tranh sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Đức. Ảnh: Reuters

Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Đức. Ảnh: Reuters

Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Sáng kiến ​​Vành đai, Con đường (BRI) của nước này, các nhà lãnh đạo phương Tây đã đưa ra một sáng kiến ​​trị giá 600 tỷ USD nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc của các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Cụ thể, tại hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Đức, các nhà lãnh đạo của nhóm này đã tuyên bố khởi động Quan hệ Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu.

“G7 muốn biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn với cơ sở hạ tầng tốt hơn. Hôm nay, chúng tôi khởi động vấn đề này với Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu”, Thủ tướng Đức  Olaf Scholz cho biết trong một tuyên bố báo chí.

Theo đó, Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu sẽ huy động 600 tỷ USD vốn tư nhân và công cộng trước năm 2027 - một phần ba trong số đó đến từ Mỹ.

Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng sẽ chủ yếu bao gồm các ưu tiên khác nhau, từ giải quyết thâm hụt cơ sở hạ tầng y tế, mở rộng kết nối, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói tại một cuộc họp báo: "Chúng ta cần nỗ lực trên toàn thế giới để đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng sạch để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu". 

Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trực tiếp trong buổi khởi động Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, nhưng điểm mấu chốt của sáng kiến ​​này là rất rõ ràng, khi nhiều nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng bày tỏ quan ngại về BRI của Bắc Kinh - ước tính tổng đầu tư lớn 1 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng vào năm 2027.

Kế hoạch mới trên của G7 gắn với những nỗ lực rộng lớn hơn của phương Tây nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho các hoạt động cho vay của Trung Quốc và nhằm thu hẹp khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 38 nghìn tỷ euro mà các nước đang phát triển sẽ cần vào năm 2035.

Vào tháng 12 năm ngoái, EU đã khởi động "Cửa ngõ Toàn cầu" (Global Gateway) - một sáng kiến ​​nhằm huy động 300 tỷ euro đầu tư vào năm 2027.

“Với sáng kiến ​​chung về cơ sở hạ tầng của G7, chúng tôi đang xây dựng dựa trên các sáng kiến ​​khu vực mạnh mẽ như Sáng kiến ​​Cửa ngõ Toàn cầu của EU. Đây là một ví dụ khác về sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với tư cách là các nước G7”, ông Scholz nêu rõ.

Vào đầu tháng 2-2022, EU đã công bố một gói đầu tư cho châu Phi trị giá 150 tỷ euro trong khuôn khổ Cửa ngõ Toàn cầu. “Tôi tin rằng G7 và EU, đang đi đúng hướng cho một quan hệ đối tác ổn định hơn và hướng tới tương lai”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel chia sẻ.

Trung Quốc sẽ là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7. Trong khi ông Michel nhấn mạnh rằng hợp tác với Trung Quốc về các chủ đề toàn cầu vẫn là điều quan trọng, nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố rằng “chúng ta cần tái cân bằng mối quan hệ kinh tế” với Bắc Kinh.

Theo ông Michel, mặc dù EU vẫn cởi mở về thương mại, nhưng “thiếu đi có lại” từ Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ thảo luận về cách “khuyến khích các nhà chức trách Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh bị phương Tây cáo buộc tạo ra bẫy nợ đối với các nước thu nhập thấp với các khoản nợ không thể trả được để trở thành một phần trong kế hoạch thúc đẩy BRI, nhằm mở rộng sức mạnh thương mại của Trung Quốc với châu Phi, châu Á và châu Âu.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN