Qua 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

02/08/2019 - 06:37

BDK - Qua gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngày 18-6-2019 về thực hiện công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Ảnh H.Đức

Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngày 18-6-2019 về thực hiện công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Ảnh H.Đức

Triển khai thực hiện

Trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và bổ trợ tư pháp của tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể, đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp (CQTP) và bổ trợ tư pháp vừa thiếu vừa yếu. Công tác điều tra, khám phá một số loại án đạt tỷ lệ thấp (dưới 50%) so với chỉ tiêu. Công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án nhân dân (TAND) chưa đạt yêu cầu, án còn tồn đọng nhiều (1.200 vụ), trong đó nhiều vụ việc đã quá hạn luật định, nhất là án dân sự ở TAND cấp huyện. Một số vụ án sau xét xử chưa được dư luận xã hội đồng tình hoặc tòa phúc thẩm sửa án, hủy án chiếm tỷ lệ cao...

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 03-CT/TU nhằm cụ thể hóa triển khai thực hiện. Qua đó, giúp cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ các CQTP nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp (CCTP) trong giai đoạn mới, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và phân công đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; thành lập Tổ giúp việc BCĐ với các thành viên là trưởng các CQTP đi vào hoạt động ổn định. BCĐ CCTP tỉnh thường xuyên được bổ sung, kiện toàn, khi có biến động công tác cán bộ; hàng năm đều có xây dựng chương trình công tác trọng tâm, tổ chức khảo sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCTP để rút kinh nghiệm và báo cáo về BCĐ Trung ương. Đối với các huyện ủy, thành ủy phân công đồng chí Bí thư hoặc Phó bí thư Thường trực trực tiếp chỉ đạo công tác CCTP; hàng quý, thường trực cấp ủy làm việc với các cơ quan nội chính để nắm tình hình và chỉ đạo việc thực hiện công tác CCTP.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và triển khai thực hiện nhiệm vụ CCTP tại địa phương. Từng lúc kiện toàn BCĐ CCTP tỉnh. Đến năm 2018, BCĐ CCTP tỉnh và Tổ giúp việc không còn hoạt động mà giao Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác CCTP.

Công tác xây dựng Đảng trong các CQTP được quan tâm thường xuyên. Các CQTP thực hiện khá tốt việc rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ; làm tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ có chức danh tư pháp cũng như cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp từng bước được nâng lên; có tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức tốt; trình độ, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chuyển biến tích cực

Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay, tình hình tổ chức và hoạt động của các CQTP và bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đội ngũ cán bộ được bổ sung, tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của cán bộ các CQTP (nhất là cán bộ có chức danh tư pháp) được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác điều tra, khám phá án đạt tỷ lệ khá cao, hạn chế thấp nhất sai sót trong việc bắt tạm giữ, tạm giam; không còn trường hợp bắt chưa đủ chứng cứ phải trả tự do hoặc xử lý hành chính, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội giảm dần theo từng năm... Công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình của TAND 2 cấp có nhiều tiến bộ, kéo giảm án tồn đọng, hạn chế án bị hủy, án bị sửa (do lỗi chủ quan của thẩm phán)...

Trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của các CQTP được trang bị tốt hơn. Một số ngành như: công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án… trụ sở được xây dựng khang trang; kho vật chứng thi hành án một số huyện, thành phố được xây dựng mới; một số trang thiết bị đã xuống cấp được quan tâm thay thế.

Sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với các CQTP khá toàn diện, chặt chẽ. Chế độ làm việc định kỳ với các CQTP có nền nếp, thường xuyên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong CTTP.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các CQTP được tăng cường; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể.

Các văn bản pháp luật mới được ban hành; sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành được tổ chức triển khai, quán triệt kịp thời; cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ các CQTP, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nghiệp vụ, công tác thống kê và công nghệ thông tin của các CQTP đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý, tổng hợp báo cáo, mã hóa hồ sơ; ứng dụng truyền hình hội nghị trực tuyến giữa Trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện, thành đa số các cuộc họp giao ban, hội nghị được tiến hành theo hình thức này.

Qua kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW cho thấy, các CQTP có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể là tổ chức bộ máy được củng cố, cán bộ được tăng cường, cơ sở vật chất được chú trọng ngày càng hoàn thiện… Vai trò, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức mà trước tiên là thủ trưởng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các CQTP là động lực thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ CCTP.

Đình Hiếu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN