|
Dưa cồn Hố được vận chuyển xuống ghe chở đến các điểm thu mua. |
Ra cồn Hố chọn những quả dưa hắc mỹ nhân xanh bóng, to tròn, ông Sáu đem về chưng mâm quả ngày Tết. Như mọi năm, đến thời khắc giao thừa, quả dưa được mở ra như một bông hoa đỏ rực và huyền bí của biển… Chỉ ngắm nhìn và thoảng nghe hương thơm đã cảm nhận đậm đà vị Tết. Thêm một vài loại bánh mứt và ba chung rượu quý làng Phú Lễ, ông Sáu xếp tất cả vào mâm rồi thắp nén hương thơm khấn nguyện. Trước tiên là cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho con người ở biển một miền đất mới hiền lành, ngọt ngào và mãnh liệt sức sống. Nhớ ơn Thần Hổ đã ban phước được mùa cho người trồng dưa thoát cảnh đói nghèo. Phút giao mùa ở nơi gặp nhau của biển, đất, trời mà cồn Hố ví như đứa con mới đẻ chẳng có gì náo nhiệt. Mọi thứ xô bồ trong xã hội đều lui về phía sau lăng kính của yên bình và thiêng liêng hiếm thấy.
Sự tích về một tên gọi và sắc màu “cồn Hố”tự khi nào đã hoá tâm hồn người cách mạng Sáu Thắng, mạch máu ngầm luôn chờ đợi chảy về cho hàng nghìn trái tim đang cần hồi sinh, tiếp tục sự sống. Hai bên vầng trán cao rộng, lún phún những sợi lông mày trắng bạc hướng chếch lên dài thươn thướt. Giọng khao khao nhưng ông Sáu Thắng kể chắc tiếng:
Lúc đó, chắc bây còn nằm dưới gót chân! Gọi tôi là bây, ông Sáu xưng tao theo kiểu người cách mạng già gốc Nam bộ chính tông. Hồi tao ra đây đóng căn cứ đã thấy người ta trồng dưa hấu. Nhiều lắm. Chuyện kể lại như còn mới hôm qua. Thời đó, phải gánh mới xuể. Ông Sáu vỗ chát xuống đùi: Mỗi đầu một trái là giỏi lắm rồi. Bộ đội trong rừng đâu được ra ngoài, chỉ toàn ăn dưa hấu. Mà tụi tao lúc đó cũng bén. Giả đò vào đây trồng dưa hấu, rồi ở luôn trong này hoạt động bí mật. Bà Sáu giả làm người buôn dưa để tiếp tế lương thực và giao liên. Vậy mà có lần trúng hết cỡ, bà Sáu bây lấy tiền bán dưa mua được một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ tặng tao… Nói đoạn tới đây, ông Sáu cười ngượng ngượng mà hạnh phúc lắm. Có lẽ chính những kỷ niệm ấy càng gắn chặt mối tình người chiến sĩ và cô giao liên giả làm người buôn dưa với mảnh đất cồn gần nửa thế kỷ nay-đôi bạn đời cao tuổi nhất có nhiều năm tháng gắn bó sâu nặng với cồn.
Lúc ấy, chim thú nhiều vô số kể: rái cá, nhàn, cò, rắn, khỉ,… Heo rừng cũng quá tai! Chúng toàn “ăn trộm” dưa của tụi tao. Ông Sáu lên giọng hùng hồn: Bắn một phát một con heo rừng, bốn người khiêng không nổi. Nhờ vậy mấy anh em đỡ phải ăn dưa chống đói gần tháng trời. Tò mò về một khu đất cồn mang tên cồn Hố, tôi hỏi: Sao không gọi là cồn Hấu (dưa hấu) mà gọi là cồn Hố? Ông Sáu giải thích: “Ngày xưa gọi là cồn Ông Hổ. Tích truyền, những năm cồn mới hình thành, có một xác con hổ thật to từ đâu trôi dạt về. Bà con đem hổ chôn cất chu đáo và từ đó lập miếu thờ xem như một vị thần giữ cồn vậy. Lạ thật! Từ đó, heo rừng ít phá dân. Nhận thấy quá linh thiêng, dân trong vùng đã gọi chệch thành cồn Hố để bày tỏ lòng kính nể và nhớ ơn”.